Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Luật sư Lê Công Định: Vài ký ức nhân kỷ niệm 5 năm ngày tôi bị bắt, 13/6/2009

Vài ký ức nhân kỷ niệm 5 năm ngày tôi bị bắt, 13/6/2009:
Luôn tự nhắc nhở rằng hàng triệu gia đình đồng bào miền Nam từng mất tất cả vào ngày 30/4/1975, nên tôi nghĩ số phận mình cũng vậy, ngày 13/6/2009 quả thật là một biến cố “30 tháng 4” của gia đình tôi. Sáng thứ Bảy cuối tuần hôm đó, đến văn phòng muộn, tôi mở máy tính cá nhân, chuẩn bị viết lại bài phát biểu vào tháng trước tại buổi hội thảo của Câu Lạc Bộ Nguyễn Văn Bình do Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp chủ trì, vừa nâng ly cà phê espresso yêu thích lên định uống, thì một tốp nhân viên an ninh hùng hổ xông vào phòng, yêu cầu tôi đứng yên và đọc lệnh bắt tạm giam.
Trong đầu tôi liền vang lên ý nghĩ : “Điều phải đến đã đến rồi đây!” Thật ra, tôi đã đoán biết mình sẽ bị bắt, nhưng quyết định không lẩn tránh và chấp nhận vào tù. Trước khi anh Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt vào ngày 24/5/2009, chúng tôi đã gặp nhau, anh Thức nói anh linh cảm ba chúng tôi sẽ bị bắt. Anh muốn tôi và anh Lê Thăng Long tránh đi để còn giúp đỡ nhiều người, nhưng tôi bảo tất cả chúng ta phải đi cùng nhau dù ở đâu, “không thành công cũng thành nhân”!
Thức cảm động xiết tay tôi, anh nhắc nhở nhiệm vụ của tôi với tư cách một luật sư là phải chứng minh rằng hệ thống pháp luật này chỉ bảo vệ sự lãnh đạo của một nhóm người thiểu số, nên người dân cần phải bất tuân để thay đổi sự bất công của nó. Từ biệt Thức, tôi ra về lòng nặng trĩu, không biết ngày mai sẽ ra sao và tôi có cơ hội chứng minh điều đó hay không. Vào ngày 4/6/2009, nhận tin đến lượt anh Long sau khi anh Thức đã bị bắt, tôi biết ngày tự do của mình không còn bao lâu.
Sau khi đọc lệnh bắt giam, các nhân viên an ninh lập tức kiểm tra máy tính cá nhân của tôi. Họ mừng rỡ phát hiện bản “Tân Hiến Pháp” vì có lẽ đó là bằng chứng sáng giá nhất của một “kế hoạch lật đổ nhà nước CHXNCN Việt Nam”. Tôi thoáng nghĩ ngay đến sự nguy hiểm của tài liệu này, vì không biết họ sẽ suy diễn trong tưởng tượng đến đâu. Thật ra, nguồn gốc của tập bản thảo bỗng chốc trở nên danh tiếng đó lại hết sức giản dị, bởi đấy chỉ đơn thuần là công trình học thuật cá nhân của tôi mà thôi, không một mưu tính chính trị nào ẩn giấu bên trong, như đã được cơ quan an ninh và hệ thống truyền thông nhà nước thổi phồng.
Xin dông dài đôi chút về quá khứ học hành của tôi. Năm 1989 tôi tốt nghiệp Trường Đại Học Pháp Lý Hà Nội (chi nhánh TPHCM), tiền thân của Trường Đại Học Luật TPHCM bây giờ. Tiếng là một cử nhân luật, vừa 21 tuổi đời, nhưng khi đọc các chứng thư công chứng của Phòng Chưởng Khế Sài Gòn trước 1975 và đọc hai bản Hiến Pháp của nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa từ 1955 đến 1975 tại miền Nam Việt Nam, tôi chỉ đủ sức hiểu một cách mơ hồ, nếu không muốn nói là chẳng hiểu gì cả. Tôi nhận ra trường luật XHCN đã trang bị cho sinh viên kiến thức và phương pháp nghiên cứu nhầm lẫn. Từ đó, tôi dành nhiều thời gian và công sức tự ép mình vào một quá trình tự đào luyện lại môn luật học theo hệ thống phương Tây.
Đối với thư tịch tiếng Việt, trong nhiều năm trời tôi tìm đọc tất cả các sách và tạp chí về luật do Trường Đại Học Luật Khoa Sài Gòn và các định chế tư pháp của Việt Nam Cộng Hòa xuất bản. Tôi cũng trau dồi vốn tiếng Pháp và tiếng Anh để đọc các sách luật in ở nước ngoài. Bắt chước cụ Nguyễn Hiến Lê, để tổng kết kiến thức tự đào luyện của mình, tôi quyết định viết xuống những gì học được. Tuy nhiên, thay vì viết sách như cụ Nguyễn, tôi bắt tay soạn thảo các bộ luật quan trọng nhất của một quốc gia, đó là các bản Tân Hiến Pháp, Tân Dân Luật, Tân Thương Luật và Tân Dân Sự Tố Tụng, theo tên gọi của tôi. Cùng với các bộ luật, tôi viết sách chú giải nội dung và trình bày lý do vì sao từng điều luật được soạn thảo theo hướng này, mà không phải hướng khác, tất cả là 4 quyển sách.
Do kiến thức và kinh nghiệm của tôi được bồi đắp thêm nhiều từ việc học hành và làm việc hằng ngày, nên theo thời gian tôi đã liên tục sửa chữa bản thảo của 4 bộ luật và 4 quyển sách ấy. Công việc cần mẫn lặng lẽ như vậy được tiến hành trong 20 năm, từ 1989 đến 2009, nhưng tôi vẫn chưa ưng ý về bản thảo cuối cùng, một phần vì tính cầu toàn của tôi từ nhỏ, một phần vì vẫn định bụng sẽ có ngày mang ra nhờ giới học thuật chuyên môn phê bình và bổ túc.
Đến lúc bị bắt, trong máy tính cá nhân của tôi vẫn còn lưu trữ bản thảo của 4 bộ luật và 4 quyển sách dang dở ấy. Tuy nhiên, đối với cơ quan an ninh, chỉ bản “Tân Hiến Pháp” mới có giá trị của một “kế hoạch lật đổ” nên họ chỉ in ra bản thảo này và buộc tôi ký tên xác nhận. Tôi đã yêu cầu được chép lại nội dung của các tài liệu không liên quan đến vụ án, vì đó là những tài liệu riêng của tôi, song họ bác bỏ với sự so sánh buồn cười như sau: một căn nhà dùng làm địa điểm hành nghề mại dâm, thì khi bị niêm phong, các đồ đạc bên trong, cùng với cái giường, cũng phải bị tịch thu (!?). Tất nhiên, cuối cùng tôi đành thúc thủ trước lập luận trí tuệ như vậy và ... nhớ hoài. Bây giờ ngẫm nghĩ vẫn tiếc công sức của 20 năm tràn đầy nhiệt huyết dành cho một nền luật pháp trong mơ mà không sao làm lại được.
Tháng 8/2009 bản “Tân Hiến Pháp” bị mang đi giám định cùng với các tài liệu khác của tôi. Biên bản kết luận “giám định văn hóa” nhận định đại ý như sau: nội dung của bản “Tân Hiến Pháp” thuần túy có tính chất học thuật với các quan điểm pháp lý thường thấy ở các nền pháp luật phương Tây, tuy nhiên do tài liệu này được một nhà chính trị như Lê Công Định sử dụng, nên mưu đồ và tác hại về mặt chính trị cần phải được các cơ quan an ninh xem xét và xử lý. Xin miễn bình luận về cái gọi là “giám định” đó.
Tương tự, quyển sách “Con đường Việt Nam” thực ra chỉ mới được phác họa trong suy nghĩ của anh Thức, rồi nhân gặp tôi và anh Nguyễn Sĩ Bình, được mang ra bàn luận để xem ai có thể đóng góp gì thêm giúp nó phong phú hơn. Chúng tôi dự định rằng quyển sách đó chỉ mang tính chất nghiên cứu và đề xuất những giải pháp xử lý khủng hoảng kinh tế-xã hội để chính phủ tham khảo, và vì thế sẽ chỉ xuất bản trong nước. Đến khi chúng tôi bị bắt, một chữ của quyển sách cũng chưa được viết xuống, nhưng cơ quan an ninh đã vội vã suy diễn và thổi phồng lên thành một “kế hoạch lật đổ”, như thể nó đã được viết và in ra trong một âm mưu chính trị xấu xa và đang được thi hành trên thực tế thì bị các chiến sĩ an ninh với nghiệp vụ điều tra tài tình phát hiện.
Tất nhiên, trong các buổi làm việc ban đầu, tôi đã bác bỏ sự gán ghép và suy diễn của điều tra viên theo hướng “suy đoán có tội”, thay vì “suy đoán vô tội”, đối với bản “Tân Hiến Pháp” và ý tưởng về quyển sách “Con đường Việt Nam”. Sau đó, khi nhận ra sự cố tình lý sự cùn, tôi quyết định không tranh cãi nữa, để họ mặc sức áp đặt và dựng lên một câu chuyện hài hước như những gì đã diễn ra, vì tôi biết rõ sẽ đến một ngày chúng tôi phải nói ra sự thật với bằng chứng còn đó trên giấy trắng mực đen về sự gán ghép và suy diễn vụng về như vậy.
Sau khi khám xét hai văn phòng làm việc và nhà riêng của tôi, đoàn xe dài đưa tôi về trại tạm giam B34 trên đường Nguyễn Văn Cừ lúc 9 giờ tối thứ Bảy. Ngoài đường, phố xá vẫn tấp nập dòng người đi chơi đêm cuối tuần. Sài Gòn vẫn lung linh ánh đèn như tự bao giờ, nhưng với tôi cuộc đời đã lật sang một trang mới. Lúc xuống xe đi vào khu buồng giam, nhớ lời Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi đi chậm rãi, ý thức từng bước chân, giữ nhịp thở sâu, đều đặn, dù toàn thân đã rã rời.
Cả ngày chưa ăn, tôi xin nước uống. Các điều tra viên mang một hộp cơm thịt kho đến đưa tôi ăn, nhưng tôi lắc đầu từ chối. Các anh lại mang ra một hộp sữa mời tôi uống thay cơm, tôi cũng từ chối. Tâm trạng ngổn ngang nhiều ý nghĩ đã cản trở tôi nuốt trôi bất cứ thứ gì lúc đó. Ngay đêm ấy người ta tiến hành buổi thẩm vấn đầu tiên, kéo dài đến sau 12 giờ khuya. Vào buồng giam tôi được phát một manh chiếu, tấm mùng và chiếc gối, tất cả đều dơ bẩn, mà tôi chẳng buồn quan tâm. Loay hoay tìm cách giăng mùng, vì không một dụng cụ và dây treo tường nào được cho phép trong buồng giam, nên đến gần 3 giờ sáng tôi mới ngả lưng, nhưng trằn trọc mãi đến tận sáng hôm sau. Quả là “ngày dài nhất” trong cuộc đời ngắn ngủi!
Nằm vắt tay lên trán suy nghĩ, bỗng nhớ lời ba tôi dặn lúc sinh thời. Ông thường nói câu “anh hùng vị quốc vong thân” thời nay không còn đúng nữa, người tài phải biết sử dụng tài năng cho dân, cho nước, vì vậy phải biết quý trọng và gìn giữ tấm thân mình. Trong tôi như bừng lên ngọn lửa soi đường, giúp tôi đối phó hữu hiệu vụ án hung hiểm này trong nhiều tháng năm sau đấy. Thế là ngay ở đêm đầu tiên tôi đã làm bài thơ thứ nhất trong tù, như sau:
Chết là hết, tang bồng nhẹ gánh,
Khỏi sống nhìn hệ thống phi nhân.
Song cha dặn người còn, nước giữ,
Bậc anh tài vị quốc lưu thân.
Rồi nghĩ về gia đình. Sự chia tay đầy nước mắt của vợ tôi lúc chiều tối, khiến tôi đau đớn. Ý nghĩ rằng chính mình đã phá hỏng tương lai của vợ, khiến lòng càng thêm dằn vặt khôn tả. Và bài thơ thứ hai đã ra đời lúc gà gáy sáng:
Dấn thân giúp nước chưa tròn nợ,
Chuốc họa vô thân, vợ chẳng nhờ.
Kẻ ở người đi muôn cách trở,
Nghẹn ngào Hạng Vũ biệt Ngu Cơ ...

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Bài diễn văn của Putin: "vĩ đại làm thay đổi thế giới"?

 Người dịch bài diễn văn "vĩ đại làm thay đổi thế giới" này không biết "антисемиты" (anti-Semites) là "bài Do thái" nên dịch thành "chống đối người Xê-mít" :-)

So sánh với bản gốc (và bản Google dịch sang tiếng Anh) có thể thấy bản dịch tiếng Việt "bảo hoàng hơn vua", có những chỗ người dịch để ... hoặc bỏ hoàn toàn để tránh nói xấu về quá khứ của LX. Thậm chí chứ "большевики" (Bolsheviks) cũng không dám dịch đúng.

Tôi không hiểu bài phát biểu này "vĩ đại" và "làm thay đổi thế giới" ở chỗ nào. Với tôi bài này dài dòng, kể lể (kể khổ lẫn kể tội) rất nhiều nhưng khá lủng củng. Nếu để vận động nationalism của dân Nga thì khá yếu ớt, nếu để xoa dịu phương Tây thì hơi thách thức, nếu để cảnh báo Ukraine thì quá nhã nhặn. So với tuyên ngôn độc lập HCM đọc năm 1945 cũng không bằng chứ đừng nói gì những bài phát biểu "vĩ đại" khác.

Tôi đánh giá bài phát biểu này bộc lộ vị thế "chiếu dưới" của Nga, không còn "ngổ ngáo" như ngày trước. Putin phải viện dẫn Kosovo, Đức thống nhất, rồi phải "nịnh" TQ, Ấn độ chỉ để giữ được Crimea và nhất là Sevastopol, không để viễn cảnh NATO bành trướng đến đó vì Ukraine sẽ gia nhập tổ chức này trong tương lai. Một thành viên nặng ký trong G8 chỉ cần nói một tiếng "không" chứ không phải bi lụy như vậy. TQ với vấn đề Đài loan, Tây tạng, Senkaku, HS-TS cứng rắn hơn nhiều.

Bài phát biểu này cũng cho thấy Nga đã chấp nhận "buông" Ukraine, thôi chúng mày muốn làm gì thì làm, theo ai thì theo nhưng để Sevastopol lại cho hạm đội Biển Đen của tao. Điều này có lẽ không chỉ làm các láng giềng nhỏ của Nga mà cả phương Tây thở phào, coi như mất Crimea là cái giá phải trả chỉ có dân Ukraine ngậm ngùi. Nghe bài phát biểu này Yanukovich chắc lo sợ cho tương lai của mình khi Putin thẳng thừng mắng những lãnh đạo cũ của Ukraine chỉ lo "vắt sữa" mà chẳng làm được gì cho dân cho nước (mà tại sao Nga lại chứa chấp những kẻ đó?).

Nếu tôi là một người dân ở Crimea, tôi cũng đã bỏ phiếu gia nhập Nga trong cuộc trưng cầu dân ý weekend vừa rồi. Không phải vì tôi yêu nước Nga và tôn kính Putin, mà đó là cách duy nhất để tránh chiến tranh/đổ máu giữa Nga và Ukraine trong hoàn cảnh hiện tại. Nhưng hãy nhớ rằng Putin đã công khai ủng hộ "ý nguyện" của người dân Crimea tách khỏi Ukraine thì sẽ "khó ăn khó nói" nếu 10-20 năm sau người dân ở đây tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác để "thoát Nga". Rồi có thể còn những cuộc trưng cầu dân ý tương tự ở Kalinigrad, Chechnya và các nước cộng hòa tự trí khác.
Xem thêm: Nguyên văn bài dịch diễn văn của Putin

"Trong tâm trí và trái tim của nhân dân, Crimea vẫn luôn là một phần không thể tách rời của nước Nga..." - Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thưa các thành viên Hội đồng Liên bang, thưa các vị đại biểu Duma Quốc gia. Các đại biểu của Nước cộng hòa Crimea và Sevastopol hiện đang ở đây với chúng ta, những công dân Nga, nhân dân của Crimea và Sevastopol!

Các bạn thân mến, việc chúng ta tập trung ở đây hôm nay có liên quan tới một vấn đề có ý nghĩa lịch sử và sống còn với tất cả chúng ta. Một cuộc trưng cầu dân ý tuân thủ đầy đủ mọi thủ tục dân chủ và chuẩn mực quốc tế vừa được tổ chức ở Crimea ngày 16/3.

Hơn 82% cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Và hơn 96% trong số họ đã ủng hộ việc hợp nhất với nước Nga. Những con số này, tự nó đã nói lên tất cả.

Để hiểu lý do đằng sau sự lựa chọn này nên hiểu về lịch sử Crimea và những điều có ý nghĩa với cả nước Nga và Crimea.

Mọi thứ ở Crimea đều cho thấy niềm kiêu hãnh và lịch sử chung của chúng ta. Đó là nơi có chứng tích Khersones cổ xưa, nơi hoàng tử Vladimir được rửa tội. Tinh thần Chính thống giáo mà Ngài nuôi dưỡng là nền tảng cho văn hóa, văn minh và những giá trị nhân văn kết nối nhân dân Nga, Ukraine và Belarus. Mộ phần của những người lính Nga mà sự anh dũng của họ đã đưa Crimea trở thành một phần của Đế quốc Nga cũng ở Crimea. Đó cũng là nơi có Sevastopol – thành phố huyền thoại với lịch sử chói lọi, một pháo đài, nơi đã khai sinh ra Hạm đội Biển Đen của nước Nga. Crimea là Balaklava và Kerch, Malakhov Kurgan và Sapun Ridge (những địa danh lịch sử ở Crimea – ND). Mỗi địa danh này đều là cái tên vô cùng tha thiết trong lòng chúng ta, là biểu tượng của lòng dũng cảm vô song và vinh quang của quân đội Nga.

Crimea là nơi giao thoa độc đáo giữa truyền thống và văn hóa của những con người khác nhau. Điều này làm nó giống nước Nga, nơi không một tộc người đơn lẻ nào bị quên lãng trong những thế kỷ qua. Người Nga và người Ukraine, người Tatar ở Crimea và người của các dân tộc khác đã cùng sống bên nhau ở Crimea, cùng gìn giữ diện mạo, truyền thống, ngôn ngữ và tín ngưỡng của dân tộc mình.

Thật là ngẫu nhiên khi dân số tại bán đảo Crimea hiện nay là 2,2 triệu người, trong đó, gần 1,5 triệu là người Nga, 350.000 là người Ukraine, song phần lớn vẫn coi tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ. Có khoảng 290.000 - 300.000 là người Tatar tại Crimea, những người cũng nghiêng về phía Nga - theo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.

Đúng, đã có lúc người Tatar tại Crimea, cũng như một vài dân tộc khác ở Liên Xô, bị đối xử không công bằng. Chỉ có một điều tôi có thể nói ở đây: trong thời kỳ đó, hàng triệu người thuộc nhiều dân tộc khác nhau cũng đã phải chịu đựng, và họ chủ yếu là người Nga.

Người Tatar ở Crimea đã quay trở về với quê hương của mình. Tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể đạt được tất cả những quyết định cần thiết về mặt pháp lý và chính trị để hoàn thành việc trả lại danh dự cho người Tatar, để họ được hưởng quyền lợi của mình và được trong sạch thanh danh.

Chúng ta hết mực tôn trọng người dân của tất cả các dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất Crimea. Đây là ngôi nhà chung của họ, quê hương của họ, và sẽ là một việc làm đúng đắn khi 3 ngôn ngữ quốc gia tại Crimea - tiếng Nga, tiếng Ukraine và tiếng Tatar - được bình đẳng như nhau. Tôi tin người dân địa phương ủng hộ điều này.

Thưa các bạn,

Trong tâm trí và trái tim của nhân dân, Crimea vẫn luôn là một phần không thể tách rời của nước Nga. Niềm tin vững chắc ấy được xây dựng dựa trên sự thật và công lý, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua thời gian, trong mọi trường hợp, bất chấp tất cả những thay đổi mạnh mẽ của đất nước chúng ta suốt thế kỉ 20.

Sau cuộc cách mạng, những đảng viên Xô Viết - vì một vài lý do nào đó - đã đem một phần rộng lớn lãnh thổ ở miền Nam nước Nga trong quá khứ cho nước Cộng hoà Ukraine. Điều này được thực hiện mà không hề cân nhắc tới đặc điểm tôn giáo của cư dân ở đây. Ngày nay, những khu vực đó hình thành nên vùng đông nam Ukraine. Sau đó, vào năm 1954, quyết định chuyển giao vùng lãnh thổ Crimea cho Ukraine đã được đưa ra, rồi cả Sevastopol, bất chấp thực tế rằng thành phố này trực thuộc liên bang. Đây là sáng kiến cá nhân của người lãnh đạo đảng, ông Nikita Khrushchev. Lý do đằng sau quyết định của ông... - xin để dành cho các sử gia làm rõ.

Vấn đề bây giờ là quyết định này đã vi phạm trắng trợn các quy tắc về hiến pháp được đặt ra ngay từ thời đó. Quyết định này đã được lén lút đưa ra. Đương nhiên, không ai thèm hỏi tới người dân Crimea và Sevastopol. Họ phải đối diện với thực tế. Dân chúng hẳn nhiên đã thắc mắc tại sao Crimea lại bất ngờ trở thành một phần của Ukraine. Nhưng xét toàn diện - và chúng ta cũng phải đề cập tới điều này một cách rõ ràng, tất cả chúng ta đều biết - rằng quyết định này chỉ là hình thức, bởi lãnh thổ đã được chuyển giao bên trong biên giới của một nhà nước duy nhất. Khi ấy, thật không thể tưởng tượng rằng Ukraine và Nga lại tách ra và trở thành 2 quốc gia riêng biệt. Thế mà điều đó đã xảy ra.

Thật không may là điều dường như không thể xảy ra lại trở thành hiện thực. Liên Xô sụp đổ. Mọi việc diễn ra nhanh tới mức gần như không có ai kịp nhận ra những sự việc này đột ngột tới mức nào và hậu quả của chúng là gì. Rất nhiều người, cả ở Nga và Ukraine cũng như tại các nước cộng hoà khác, hi vọng rằng Cộng đồng các Quốc gia Độc lập được thành lập vào thời điểm đó sẽ trở thành một hình thức nhà nước liên bang mới. Họ đã được nghe nói về đồng tiền chung, không gian kinh tế thống nhất, lực lượng vũ trang chung. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là hứa suông, trong khi đó, đất nước lớn đã tiêu tan. Chỉ khi Crimea trở thành một phần của quốc gia khác, Nga mới nhận ra rằng mình không đơn giản chỉ là bị lấy trộm - mình đã bị cưỡng đoạt.

Đồng thời, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng bằng cách phô trương về chủ quyền, chính bản thân Nga đã góp phần khiến Liên Xô sụp đổ. Và khi sự sụp đổ đó được hợp pháp hoá, tất cả lại quên mất Crimea và Sevastopol - căn cứ chính của Hạm đội Biển Đen. Hàng triệu người đã đi ngủ ở một quốc gia và rồi tỉnh dậy tại một quốc gia khác, chỉ qua một đêm đã trở thành dân tộc thiểu số tại một nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ. Còn nước Nga lại trở thành một trong những dân tộc lớn nhất, nếu không muốn nói là nhóm dân tộc lớn nhất trên thế giới, bị chia cắt bởi các đường biên giới.

Giờ đây, sau nhiều năm, tôi đã nghe thấy người dân Crimea nói rằng thời điểm năm 1991, họ bị trao đi như một bao tải khoai tây. Khó mà có thể không đồng ý với điều này. Thế còn vị thế của Nga? Nước Nga thì sao? Phải miễn cưỡng chấp nhận tình thế. Khi đó, quốc gia này đã trải qua những thời kỳ khó khăn tới mức thực tế là không còn có khả năng bảo vệ lợi ích của chính mình. Tuy nhiên, nhân dân đã không thoả hiệp với sự bất công kì quặc đó. Trong ngần ấy năm, người dân và nhiều nhân vật của công chúng đã lật lại vấn đề này, họ nói rằng về mặt lịch sử, Crimea là lãnh thổ của Nga, Sevastopol là một thành phố của Nga. Đúng vậy, từ trong trái tim và tâm trí của mình, tất cả chúng ta đều biết điều đó, nhưng chúng ta phải bắt đầu từ thực tế sẵn có và xây dựng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp với quốc gia Ukraine độc lập trên một nền tảng mới. Trong khi đó, quan hệ của chúng ta với Ukraine, với những người dân Ukraine anh em, vẫn luôn và sẽ mãi đóng vai trò quan trọng hàng đầu.

Hôm nay, chúng ta có thể nói về điều này một cách cởi mở, và tôi muốn chia sẻ với các bạn một số chi tiết về các thỏa thuận đã được ký kết vào đầu những năm 2000. Khi đó, Tổng thống Ukraine là ngài Kuchma đã đề nghị tôi xúc tiến quá trình phân định biên giới Nga - Ukraine. Lúc đó, quá trình này trên thực tế đang rơi vào bế tắc. Nga coi như đã công nhận Crimea là một phần của Ukraine, nhưng chưa có thỏa thuận về phân định biên giới. Dù tình hình rất phức tạp, nhưng tôi đã ngay lập tức chỉ thị cho các cơ quan chính phủ Nga đẩy nhanh việc lập hồ sơ về biên giới, để mọi người đều hiểu rõ rằng bằng việc chấp thuận phân định đường biên, chúng ta thừa nhận về cả pháp lý và thực tế rằng Crimea là lãnh thổ của Ukraine, và do đó có thể khép lại vấn đề.

Chúng ta đã giúp đỡ Ukraine không chỉ trong vấn đề Crimea, mà còn trong cả một vấn đề phức tạp như biên giới lãnh hải ở Biển Azov và eo biển Kerch. Những gì chúng ta làm đều vì coi mối quan hệ tốt đẹp với Ukraine là điều quan trọng nhất đối với chúng ta, và để họ không mắc kẹt trong bế tắc của các tranh chấp lãnh thổ. Chúng ta đã mong đợi rằng Ukraine vẫn là láng giềng tốt. Chúng ta cũng đã hy vọng rằng công dân Nga và người nói tiếng Nga ở Ukraine, đặc biệt là các vùng Đông Nam và Crimea có thể sống trong một đất nước văn minh, dân chủ và hữu nghị, nơi có thể bảo vệ các quyền lợi của họ theo chuẩn mực luật pháp quốc tế.

Thế nhưng, tình hình lại không diễn ra như vậy. Hết lần này đến lần khác, người ta đã rắp tâm tước đoạt những di sản lịch sử và thậm chí cả ngôn ngữ của người Nga, đẩy họ đến với sự đồng hóa ép buộc. Hơn thế, người Nga, cũng như những công dân khác của Ukraine đang phải chịu đựng cuộc khủng hoảng nhà nước và chính trị vốn đã làm rung chuyển quốc gia này từ 20 năm qua.

Tôi hiểu vì sao người Ukraine muốn thay đổi. Họ đã có đủ bộ máy nắm quyền lực trong suốt những năm tháng độc lập của Ukraine. Các Tổng thống, Thủ tướng và đại biểu quốc hội đã thay đổi, nhưng thái độ của họ đối với đất nước và người dân của mình thì vẫn vậy. Họ bòn rút quốc gia, đấu đá lẫn nhau để tranh giành quyền lực, tài sản và dòng ngoại tệ mà chẳng mảy may quan tâm tới dân thường. Họ không hề băn khoăn vì sao hàng triệu người dân Ukraine không nhìn thấy triển vọng tại quê nhà và phải ra nước ngoài làm việc qua ngày. Tôi muốn nhấn mạnh điều này: họ không chuyển tới Thung lũng Silicon, mà lại làm công nhân công nhật. Chỉ tính riêng năm ngoái, đã có gần 3 triệu người tìm những công việc như thế này tại Nga. Theo một vài nguồn tin, năm 2013, tổng thu nhập của họ ở Nga là hơn 20 tỉ USD, bằng 12% GDP của Ukraine.

Tôi muốn nhắc lại rằng, tôi thấu hiểu những người dân đổ ra quảng trường Maidan, mang theo các khẩu hiệu hoà bình, phản đối tham nhũng, quản lý đất nước không hiệu quả và đói nghèo. Quyền được biểu tình hoà bình, các cuộc bầu cử và thủ tục mang tính dân chủ tồn tại vì một mục đích duy nhất là thay thế quan chức không làm hài lòng người dân. Tuy nhiên, những người đứng sau các diễn biến mới nhất ở Ukraine lại có kế hoạch hành động khác: họ đang chuẩn bị cho một sự tiếm quyền khác đối với chính phủ, họ muốn thâu tóm quyền lực và sẽ không dừng lại. Họ viện tới khủng bố, giết người, bạo loạn. Những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phát xít mới, những kẻ ghét Nga và bài Do thái đã thực hiện cuộc đảo chính này. Họ tiếp tục làm như vậy tại Ukraine cho đến ngày nay.

Cái gọi là chính quyền mới đã bắt đầu bằng việc đưa ra một dự luật sửa đổi chính sách về ngôn ngữ, một hành vi vi phạm trực tiếp tới quyền lợi của các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, họ ngay lập tức phải chịu sự trừng phạt từ các nhà tài trợ nước ngoài của chính mình - những người được gọi là chính trị gia. Phải thừa nhận rằng các cố vấn của chính phủ đương thời thông minh và biết rõ những nỗ lực nhằm xây dựng một quốc gia Ukraine thực thụ sẽ dẫn tới đâu. Dự luật đã bị gạt sang một bên, song rõ ràng là sẽ được thực thi trong tương lai. Không có bất cứ điều gì về vấn đề này được nhắc tới, hoặc có thể là chúng ta có trí nhớ ngắn hạn. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng tâm địa của những kẻ kế thừa tư tưởng của Bandera, một đồng loã của Hitler trong Thế chiến II.

Rõ ràng là tại Ukraine hiện nay, không có người nắm quyền hành hợp pháp, không có ai để bàn chuyện. Nhiều cơ quan chính phủ đã bị những kẻ lừa đảo tiếm quyền, song chúng lại không được kiểm soát đất nước, và bản thân chúng - tôi muốn nhấn mạnh điều này - thường xuyên bị những kẻ cực đoan điều khiển. Trong một vài trường hợp, bạn cần có giấy phép đặc biệt từ chiến binh Maidan để gặp gỡ các Bộ trưởng nhất định trong chính phủ hiện tại. Không phải chuyện đùa - đó là thực tế.

Những người phản đối cuộc đảo chính ngay lập tức bị đe doạ đàn áp. Tất nhiên, người đầu tiên chịu trận ở đây là Crimea, một Crimea nói tiếng Nga. Vì vậy, người dân Crimea và Sevastopol đã tìm tới Nga để mong được giúp đỡ trong việc bảo vệ quyền lợi và cuộc sống của mình, ngăn chặn các sự việc đã và vẫn đang tiếp diễn ở Kiev, Donetsk, Kharkov cùng các thành phố khác của Ukraine.

Hiển nhiên là chúng ta không thể để cho những lời kêu gọi này bị phớt lờ; chúng ta không thể bỏ mặc Crimea và người dân ở đó trong cơn hoạn nạn. Đối với chúng ta, đó là sự phản bội.

Trước hết, chúng ta đã phải tạo điều kiện để lần đầu tiên trong lịch sử, người dân ở Crimea có thể bày tỏ tự do ý chí của mình một cách hòa bình. Thế nhưng, chúng ta đã được nghe gì từ những người bạn Tây Âu và Bắc Mỹ? Họ nói chúng ta đang vi phạm các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế.

Thứ nhất, thật tốt là ít nhất họ cũng nhớ rằng vẫn tồn tại một thứ gọi là luật pháp quốc tế - muộn dù sao còn hơn không.

Thứ hai, và quan trọng nhất là – chính xác thì chúng ta đang vi phạm điều gì? Đúng, Tổng thống Liên bang Nga đã nhận được sự cho phép của Thượng viện để sử dụng lực lượng vũ trang ở Ukraine. Nhưng nghiêm túc mà nói, chưa có ai hành động trên sự cho phép đó. Quân đội Nga chưa từng tiến vào Crimea. Họ đã hiện diện ở đây từ trước, theo đúng khuôn khổ của một hiệp định quốc tế. Đúng, chúng ta đã tăng cường lực lượng tại đây. Nhưng, đây là điều mà tôi muốn tất cả mọi người nghe và hiểu: Chúng ta đã không vượt quá giới hạn quân số của lực lượng vũ trang tại Crimea, vốn được quy định là 25.000 người. Vì không cần phải làm như vậy.

Tiếp theo. Khi tuyên bố độc lập và quyết định tổ chức trưng cầu dân ý, Hội đồng Tối cao Crimea đã dựa vào Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong đó khẳng định các quốc gia đều có quyền tự quyết. Tiện đây, tôi muốn nhắc các bạn nhớ rằng, khi tách khỏi Liên bang Xô Viết, Ukraine cũng làm đúng như vậy, chính xác đến từng từ. Ukraine đã sử dụng quyền này, nhưng người dân ở Crimea thì lại bị khước từ. Tại sao vậy?

Thêm nữa, chính quyền Crimea đã dựa vào một tiền lệ rất nổi tiếng là Kosovo - tiền lệ do những người bạn phương Tây của chúng ta chính tay tạo ra trong một tình huống hoàn toàn tương tự, khi họ công nhận rằng việc đơn phương chia cắt Kosovo khỏi Serbia, chính xác như những gì Crimea đang làm hiện nay, là hợp pháp và không cần bất kỳ sự cho phép nào từ chính quyền trung ương. Theo đúng Điều 2, Chương 1 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tòa án quốc tế của Liên Hợp Quốc đã đồng ý với cách tiếp cận này và đã đề những ghi chú (mà tôi trích dẫn lại sau đây) trong phán quyết ngày 22/7/2010: “Không có điều khoản cấm chung nào từ thông lệ của Hội đồng Bảo an liên quan đến việc tuyên bố độc lập” và “Luật pháp quốc tế không bao hàm quy định cấm tuyên bố độc lập”. Hoàn toàn dễ hiểu, như họ nói.

Tôi không muốn dựa vào các trích dẫn, nhưng trong trường hợp này, tôi không thể làm khác. Đây là một trích dẫn từ một tài liệu chính thức khác: Bản tường trình của Mỹ ngày 17/4/2009 gửi đến cùng Tòa án quốc tế của Liên Hợp Quốc liên quan đến các buổi điều trần về Kosovo. Một lần nữa, tôi xin lại được trích dẫn: “Việc tuyên bố độc lập có thể, và thường là vi phạm luật pháp trong nước. Tuy nhiên, điều đó không khiến nó vi phạm luật pháp quốc tế”. Hết trích dẫn.

Họ đã viết như vậy, đem phổ biến khắp thế giới, được mọi người đồng ý, và giờ họ lại tỏ ra bất bình. Mà về cái gì chứ? Hành động của người dân Crimea hoàn toàn phù hợp với các chỉ dẫn trên, như nó vốn vậy. Hãy thử nghĩ rằng người Albani ở Kosovo (chúng ta hoàn toàn tôn trọng họ) được phép làm như vậy. Còn người Nga, người Ukraine và người Tatar ở Crimea thì không. Một lần nữa, ai cũng sẽ thắc mắc tại sao.

Chúng ta vẫn nghe Mỹ và Tây Âu nói rằng Kosovo là một trường hợp đặc biệt. Điều gì đã khiến nó trở nên đặc biệt trong mắt những người bạn này của chúng ta? Hóa ra đó là vì cuộc xung đột ở Kosovo đã khiến rất nhiều người thương vong. Điều này có phải một lập luận có cơ sở pháp lý? Phán quyết của Tòa án quốc tế không hề nói như vậy. Nó thậm chí còn không phải là một thứ tiêu chuẩn kép; nó là kiểu lý sự cùn, ấu trĩ kinh ngạc. Con người ta không nên đổi trắng thay đen, cố gắng một cách thô thiển như vậy để khiến mọi thứ thuận theo lợi ích của mình. Nếu cứ theo logic này, chúng ta sẽ phải chắc chắn mọi cuộc xung đột đều dẫn đến tổn thất về sinh mạng.

Tôi sẽ nói rõ ràng rằng - nếu lực lượng tự vệ địa phương ở Crimea không thể kiểm soát được tình hình thì sẽ có thương vong. May mắn là điều này không xảy ra. Không có bất cứ cuộc đụng độ vũ trang nào và không có thương vong. Bạn nghĩ vì sao lại như vậy? Câu trả lời rất đơn giản: bởi nó rất khó, thực tế là không thể chống lại ý chí của người dân. Tại đây, tôi muốn cám ơn quân đội Ukraine - 22.000 người lính vũ trang đến tận răng. Tôi muốn cám ơn binh sĩ, những người đã kiềm chế một cuộc đổ máu và không nhuộm đỏ quân phục của mình bằng máu.

Cũng liên quan tới việc này, một vài ý khác đã nảy ra trong tâm trí. Họ liên tục nói về cái được gọi là sự can thiệp của Nga ở Crimea, một cuộc xâm lược. Điều này thực lạ tai. Tôi không thể nhớ ra bất cứ một cuộc can thiệp quân sự nào trong lịch sử mà lại không có súng nổ và thương vong.

Thưa các bạn,

Như một tấm gương, tình hình ở Ukraine phản ánh những gì đang và đã diễn ra trên thế giới trong một vài thập kỷ qua. Sau khi trạng thái lưỡng cực tan rã, chúng ta không còn sự ổn định nữa. Các thể chế quốc tế chủ chốt không những không mạnh hơn, mà ngược lại, trong nhiều trường hợp còn suy thoái một cách đáng buồn. Các đối tác phương Tây của chúng ta, dẫn đầu là Mỹ thích dùng “quy tắc của súng đạn” hơn là luật pháp quốc tế. Họ đi đến chỗ tin rằng họ đặc biệt và có đặc quyền, rằng họ có thể quyết định vận mệnh thế giới, rằng chỉ họ mới luôn luôn đúng. Họ làm bất cứ thứ gì họ thích: chỗ này, chỗ kia. Họ sử dụng vũ lực chống lại các quốc gia có chủ quyền, xây dựng các liên minh dựa trên nguyên tắc “Nếu anh không theo tôi nghĩa là anh chống lại tôi”. Để cho sự xâm lược này có vẻ hợp pháp, họ ép buộc các tổ chức quốc tế phải đưa ra các nghị quyết. Và nếu vì một vài lý do nào đó mà cách này không hiệu quả, thì họ phớt lờ luôn cả Liên Hợp Quốc lẫn Hội đồng Bảo an.

Điều này đã xảy ra ở Nam Tư, năm 1999, hẳn chúng ta đều còn nhớ rõ. Dù chính mắt tôi chứng kiến, thật khó mà tin rằng, vào cuối thế kỷ 20 mà một thủ đô ở châu Âu, Belgrade, lại chìm dưới các cuộc tấn công bằng tên lửa trong vài tuần, và sau đó là đến cuộc can thiệp vũ trang thật sự. Có nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an về vấn đề này lại cho phép những hành động như vậy? Không hề. Và rồi họ đánh Afghanistan, Iraq, vi phạm trắng trợn nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Lybia, khi thay vì chỉ áp đặt cái gọi là vùng cấm bay thì họ đồng thời dội bom luôn xuống đó.

Đã có một chuỗi các cuộc “cách mạng màu” được giật dây. Chắc chắn là người dân ở các nước nơi diễn ra các sự kiện này đã chán ngán chế độ độc tài và nghèo khổ, không có tương lai. Nhưng những tình cảm này đã bị lợi dụng một cách bất nhẫn. Các tiêu chuẩn được áp đặt lên các nước này mà không hề phù hợp với lối sống, truyền thống và văn hóa của người dân. Và hậu quả là thay vì dân chủ, tự do là hỗn loạn, bạo lực bùng phát và hàng chuỗi biến động. Mùa xuân Ả Rập đã biến thành Mùa đông Ả Rập.

Một tình huống tương tự đã diễn ra ở Ukraine. Năm 2004, để đưa một ứng cử viên mà họ muốn vào cuộc bầu cử Tổng thống, họ đã nghĩ ra một thứ gọi là cuộc bầu cử vòng ba, vốn không được quy định trong luật. Nó thật lố bịch và là sự nhạo báng đối với Hiến pháp. Và hôm nay, họ lại tung ra một lực lượng dân quân được tổ chức và trang bị hùng hậu.

Chúng ta hiểu điều gì đang diễn ra. Chúng ta hiểu rằng những hành động này là nhằm chống lại Ukraine và nước Nga, chống lại sự hội nhập Liên minh Á-Âu. Và tất cả diễn ra khi Nga đang nỗ lực đối thoại với các nước phương Tây. Chúng ta vẫn kiên trì đề xuất hợp tác trên mọi vấn đề chủ chốt. Chúng ta muốn củng cố lòng tin và hướng tới quan hệ bình đẳng, cởi mở và công bằng. Nhưng chúng ta đã không thấy những bước đi tương tự từ phía bên kia.

Phần 2 của bài diễn văn:
Ngược lại, họ đã nói dối chúng ta nhiều lần, đưa ra nhiều quyết định sau lưng chúng ta, đặt chúng ta trước những thực tế đã rồi. Điều này đã xảy ra cùng với sự mở rộng của NATO sang phía Đông, cũng như việc họ triển khai hạ tầng quân sự ở biên giới của chúng ta. Họ vẫn tiếp tục nhắc đi nhắc lại một luận điệu rằng: “Thôi nào, việc này chẳng liên quan gì đến các anh đâu”. Nói thế thì dễ dàng quá.

Điều này cũng đã xảy ra khi họ thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa. Bất chấp mọi sự lo ngại của chúng ta, dự án này vẫn được thúc đẩy. Nó xảy ra cùng với sự chậm trễ lê thê trong đối thoại về các vấn đề visa, cam kết cạnh tranh công bằng và tham gia tự do vào thị trường toàn cầu.

Hôm nay, chúng ta đang bị đe dọa trừng phạt, nhưng chúng ta vốn cũng đã trải qua nhiều lần bị kiềm tỏa, những lần gây ảnh hưởng đáng kể đến chúng ta, nền kinh tế và đất nước chúng ta. Ví dụ, ngay trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và sau đó là các nước khác đã có một danh sách dài các công nghệ và thiết bị hạn chế bán cho Liên Xô, lập danh sách của Ủy ban phối hợp kiểm soát xuất khẩu đa phương. Hiện nay, trên danh nghĩa, họ đã xóa bỏ những quy định này, nhưng đó chỉ là danh nghĩa. Còn trên thực tế, nhiều hình thức hạn chế vẫn còn hiệu lực.

Một cách ngắn gọn, chúng ta có đủ lý do để cho rằng chính sách phong tỏa đáng hổ thẹn này, vốn đã kéo dài từ thế kỷ 18, 19, 20, vẫn còn được duy trì đến tận ngày nay. Họ luôn tìm mọi cách dồn chúng ta vào góc tường, bởi chúng ta có một vị thế độc lập, bởi chúng ta duy trì vị thế đó, và bởi chúng ta gọi mọi thứ như nó vốn có và không tham gia vào những trò đạo đức giả. Ở Ukraine, các đối tác phương Tây của chúng ta đã vượt qua giới hạn, họ đùa với lửa và hành động một cách vô trách nhiệm, thiếu chuyên nghiệp.

Sau hết, họ hoàn toàn ý thức được rằng đang có hàng triệu người Nga sống ở Ukraine và Crimea. Hẳn rằng họ phải thiếu bản năng chính trị và lương tri mới không lường được hậu quả từ những hành động của mình. Nước Nga đã rơi vào một vị thế không thể thoái lui. Nếu anh lấy hết sức ép một cái lò xo, nó sẽ bật lại rất mạnh. Hãy luôn nhớ điều này.

Hôm nay, điều bắt buộc là phải chấm dứt cơn cuồng loạn này, gạt bỏ lối khoa trương thời Chiến tranh Lạnh và thừa nhận thực tế hiển nhiên rằng: Nước Nga là một bên tích cực và độc lập trong các vấn đề quốc tế; giống như các nước khác, Nga có các lợi ích quốc gia mà các nước phải tính đến và tôn trọng.

Đồng thời, chúng ta cảm ơn tất cả những người đã thấu hiểu các hành động của chúng ta ở Crimea. Chúng ta cảm ơn nhân dân Trung Quốc, các nhà lãnh đạo của họ luôn xem xét tình hình ở Ukraine và Crimea trong bối cảnh chính trị và lịch sử đầy đủ. Chúng ta cảm kích sự thận trọng và khách quan của Ấn Độ.

Hôm nay, tôi muốn nhắn nhủ nhân dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, những người ngay từ ngày lập quốc và thông qua bản Tuyên ngôn Độc lập, vẫn luôn kiêu hãnh đặt tự do lên trên hết thảy. Phải chăng mong muốn của người dân Crimea được tự do lựa chọn vận mệnh cho mình không phải là một giá trị như vậy? Xin hãy hiểu chúng tôi.

Tôi tin rằng những người dân châu Âu, mà đầu tiên và trước hết là người Đức cũng sẽ hiểu tôi. Xin cho tôi được nhắc các bạn rằng trong quá trình tham vấn chính trị về việc thống nhất Đông Đức và Tây Đức, một số nước khi đó và hiện nay vẫn là đồng minh của Đức, đã không ủng hộ việc thống nhất. Thế nhưng, nước Nga đã bày tỏ sự ủng hộ dứt khoát đối với ý nguyện thống nhất thành thật và mãnh liệt của người Đức. Tôi tin rằng các bạn chưa quên điều đó, và tôi mong rằng các công dân Đức sẽ ủng hộ khát vọng khôi phục sự thống nhất của người Nga, của nước Nga lịch sử.

Tôi cũng muốn nói với nhân dân Ukraine. Tôi chân thành mong muốn các bạn hiểu chúng tôi: Chúng tôi không bao giờ muốn làm tổn hại các bạn theo bất cứ cách nào, cũng không bao giờ muốn làm làm tổn thương lòng yêu nước của các bạn. Chúng tôi luôn tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, không như những người sẵn sàng hy sinh sự thống nhất của Ukraine vì các tham vọng chính trị. Họ giương khẩu hiệu ca ngợi sự vĩ đại của Ukraine, nhưng cũng chính họ là những người làm mọi thứ để chia rẽ đất nước này. Những người bạn Ukraine thân mến, tôi mong các bạn hãy nghe tôi. Xin đừng tin những ai muốn các bạn sợ hãi nước Nga, kêu gào rằng rồi các vùng khác của Ukraine cũng theo chân Crimea. Chúng tôi không hề muốn chia cắt Ukraine. Chúng tôi không cần điều đó. Còn về Crimea, đó đã và sẽ mãi mãi là vùng đất của người Tatar, người Ukraine và người Nga.

Tôi xin được nhắc lại rằng, như thực tế đã có từ nhiều thế kỷ nay, Crimea sẽ là mái nhà chung của tất cả những người sống ở đó.

Crimea là di sản lịch sử chung của chúng ta và là một nhân tố quan trọng trong sự ổn định khu vực. Và vùng đất có ý nghĩa chiến lược này nên là một phần của một quốc gia ổn định và vững mạnh mà hiện chỉ có thể là nước Nga. Nếu không, thưa các bạn (tôi đang nói với cả nước Nga và Ukraine), các bạn và chúng tôi, người Nga và người Ukraine, có thể mất hoàn toàn Crimea. Và việc này có thể xảy ra trong một tương lai rất gần. Xin hãy suy nghĩ về điều đó.

Cũng xin hãy để tôi lưu ý rằng, chúng ta đã từng nghe Kiev tuyên bố Ukraine sẽ sớm gia nhập NATO. Điều này có ý nghĩa như thế nào với Crimea và Sevastopol trong tương lai? Nó có thể có nghĩa là hải quân NATO sẽ ở ngay đây, trong thành phố là niềm vinh quang của quân đội Nga. Và viễn cảnh này có thể tạo ra một mối đe dọa không hề tưởng tượng mà hoàn toàn có thật đối với toàn bộ miền Nam nước Nga. Tất cả những điều đáng ra có thể trở thành hiện thực này không xảy ra là nhờ sự lựa chọn của người dân Crimea, và tôi muốn cảm ơn họ về điều đó.

Nhưng xin cũng để tôi nói rằng chúng ta không chống lại sự hợp tác với NATO, chắc chắn không phải là như vậy. Nhưng với tất cả quy trình nội bộ trong tổ chức, NATO vẫn là một liên minh quân sự, và chúng ta chống lại việc có một liên minh quân sự đặt căn cứ ngay ở sân sau của chúng ta, hay trên lãnh thổ lịch sử của chúng ta. Tôi không thể tưởng tượng cảnh chúng ta đến Sevastopol để thăm các thủy thủ NATO. Dĩ nhiên phần lớn họ là những chàng trai tuyệt vời. Nhưng sẽ tốt hơn nếu họ đến thăm chúng ta, làm khách của chúng ta, hơn là ngược lại.

Hãy để tôi nói một cách thẳng thắn rằng phải nhìn những gì đang diễn ra ở Ukraine vào lúc này, nhìn người dân gồng mình chịu đựng và thấp thỏm lo không biết điều gì sẽ diễn ra hôm nay, điều gì sẽ đến vào ngày mai là điều thật sự dày vò trái tim chúng ta. Sự lo lắng của người Nga là dễ hiểu, vì đơn giản, chúng ta không chỉ là những láng giềng gần gũi, mà như tôi đã nói rất nhiều lần, chúng ta là một dân tộc. Kiev là mẹ của các thành phố Nga. Người Rus cổ đại là tổ tiên chung của chúng ta, và chúng ta không thể sống thiếu nhau.

Hãy để tôi nói thêm một điều khác nữa. Hàng triệu người Nga và người nói tiếng Nga đang sống ở Ukraine, và sẽ tiếp tục là như vậy. Nước Nga sẽ luôn luôn bảo vệ các lợi ích của mình bằng mọi biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý. Nhưng hơn hết, việc đảm bảo quyền và lợi ích của những người dân này, đảm bảo rằng họ được bảo vệ đầy đủ chính là lợi ích của Ukraine. Điều này là sự đảm bảo cho sự ổn định và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Chúng ta mong muốn làm bạn với Ukraine, mong muốn Ukraine là một đất nước vững mạnh, có chủ quyền và tự chủ. Hơn hết, Ukraine là một trong những đối tác lớn nhất của chúng ta. Hai bên có những dự án chung và tôi tin tưởng vào sự thành công của các dự án này, bất chấp những khó khăn hiện tại. Quan trọng nhất là, chúng ta muốn hòa bình và hòa hợp dân tộc ngự trị ở Ukraine, và chúng ta sẵn sàng hợp tác với các nước khác để hỗ trợ và tạo thuận lợi cho quá trình này. Nhưng như tôi đã nói, chỉ có người dân Ukraine mới có thể đưa mọi việc vào khuôn khổ.

Nhân dân Crimea và Sevastopol, toàn thể nước Nga ngưỡng mộ chí khí, sự dũng cảm và phẩm giá của các bạn. Chính các bạn đã quyết định tương lai Crimea. Trong những ngày này, chúng ta gần nhau hơn bao giờ hết, ủng hộ lẫn nhau. Đó là tình đoàn kết chân thành. Chính ở những bước ngoặt lịch sử như thế này mà một quốc gia có thể chứng tỏ sự trưởng thành và sức mạnh tinh thần. Người Nga đã cho thấy những phẩm chất này thông qua sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho các đồng bào mình.

Vị thế chính sách đối ngoại của Nga trong vấn đề này vững chãi chính nhờ vào ý chí của hàng triệu người dân chúng ta, sự thống nhất của cả nước và sự hỗ trợ của các lực lượng quần chúng và chính trị trong nước. Tôi muốn cảm ơn tất cả các bạn về tinh thần ái quốc này, tất cả, không trừ một ai. Chúng ta cần tiếp tục duy trì sự thống nhất này để giải quyết các nhiệm vụ đang chờ chúng ta trên con đường phía trước.

Chắc chắn chúng ta sẽ còn phải đối phó với những sự chống đối từ bên ngoài. Nhưng đây là một quyết định mà chúng ta cần phải làm cho chính mình. Liệu chúng ta đã sẵn sàng kiên định bảo vệ các lợi ích quốc gia, hay sẽ buông xuôi, lui bước? Một số chính trị gia phương Tây đã hăm dọa chúng ta không chỉ bằng các biện pháp trừng phạt và còn bằng viễn cảnh gia tăng các vấn đề nghiêm trọng trong nước. Tôi muốn biết chính xác thì họ nghĩ gì trong đầu: Sử dụng những kẻ phản quốc, hay hy vọng sẽ đẩy chúng ta vào một tình thế kinh tế xã hội đi xuống để kích động sự bất bình của người dân? Chúng ta chắc chắn sẽ đáp trả thích đáng các tuyên bố vô trách nhiệm và đầy khiêu khích đó...

Thưa các bạn,

Tôi hiểu người dân Crimea, những người lựa chọn các phương án rõ ràng nhất trong cuộc trưng cầu dân ý: Crimea nên thuộc Ukraine hay thuộc Nga?. Chúng tôi có thể nói chắc chắn rằng khi tiến hành xây dựng câu hỏi, giới chức Crimea và Sevastopol, các nhà lập pháp, đã đặt sang một bên các nhóm và lợi ích chính trị để chỉ lấy lợi ích cơ bản của người dân làm nền tảng cho công việc của mình. Tình hình kinh tế, chính trị, dân số và lịch sử cụ thể của Crimea có thể khiến cho bất cứ một lựa chọn nào khác được đề xuất sẽ chỉ mang tính tạm thời, dễ đổ vỡ, và không thể tránh khỏi việc làm xấu thêm tình hình - điều này sẽ để lại hậu quả vô cùng tai hại đối với cuộc sống của người dân. Do đó, người dân Crimea đã quyết định trả lời một cách chắc chắn và cương quyết, không hề lưỡng lự. Cuộc trưng cầu dân ý này công bằng và minh bạch, người dân Crimea đã thể hiện ý muốn của họ theo một cách rõ ràng, đầy thuyết phục, và họ khẳng định họ muốn về với Nga.

Giờ đây Nga cũng sẽ phải đưa ra một quyết định khó khăn, cân nhắc tới nhiều yếu tố khác nhau, cả trong và ngoài nước. Người dân Nga ở đây nghĩ gì? Tại đây, cũng giống như tại bất cứ một quốc gia dân chủ nào khác, công chúng có quan điểm khác nhau, và tôi muốn chỉ ra rằng tuyệt đại đa số người dân công khai ủng hộ những gì đang diễn ra.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất được tiến hành tại Nga cho hay, 95% người dân nghĩ rằng Nga nên bảo vệ quyền lợi của người Nga cũng như của các tộc người khác sinh sống tại Crimea - 95% tổng số dân cư của chúng ta. Hơn 83% nghĩ rằng Nga nên làm vậy ngay cả khi nó sẽ làm phức tạp mối quan hệ của chúng ta với một vài các quốc gia khác. 86% người dân chúng ta vẫn coi Crimea thuộc lãnh thổ Nga và là một phần đất đai của quốc gia chúng ta. Và một con số đặc biệt quan trọng khác, hoàn toàn phù hợp với kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea: gần 92% người dân ủng hộ sự tái hợp nhất của Crimea về Nga.

Như vậy, chúng ta thấy rằng đa số người Crimea và đại đa số người dân Liên bang Nga ủng hộ sự tái hợp nhất nước cộng hoà tự trị Crimea và thành phố Sevastopol về Nga.

Vấn đề giờ đây là quyết định chính trị của riêng Nga, bất cứ quyết định nào ở đây cũng chỉ dựa trên ý chí của người dân, bởi nhân dân là nền tảng cơ bản của tất cả mọi chính quyền.

Thưa các thành viên Hội đồng Liên bang, đại biểu Duma Quốc gia, người dân Nga, cư dân Crimea và Sevastopol, hôm nay, thuận theo ý dân, tôi đệ trình lên Quốc hội Liên bang, yêu cầu xem xét Luật Hiến pháp về việc thành lập hai chủ thể liên bang của Nga: Cộng hoà Crimea và thành phố Sevastopol, đồng thời phê chuẩn công ước công nhận Crimea và Sevastopol thuộc Liên bang Nga - họ đã sẵn sàng ký kết. Tôi tin tưởng vào sự ủng hộ của các bạn.

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Cần xem chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979 như chiến thắng chống ngoại xâm


Tô Phương Thủy - “Nếu thực tình muốn hướng tới tương lai, ta cần bắc cầu đi qua hố ngăn cách đó. Đường đi vẫn thênh thang trên cây cầu đàng hoàng, nhưng ta vẫn nhìn thấy cái hố đúng như nó có, không to hơn, không hẹp hơn” - Giáo sư Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh) - nhận định về cuộc chiến biên giới năm 1979.
Những cắc cớ trong quan hệ lịch sử giữa các quốc gia phải xem như những cái hố, hay vết hằn lịch sử. Cách xử lý một cách đàng hoàng là không được phép lấp nó đi.
Duy nhất Trung Quốc nói Việt Nam nổ súng tấn công
Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - mà ông là thành viên - dự kiến sẽ có một lễ tưởng niệm sự kiện chiến tranh biên giới ngày 17.2.1979. Ông có thể cho biết chi tiết?
Lễ tưởng niệm dự kiến sẽ được tổ chức gắn với một hội thảo khoa học về đề tài này. Sự kiện này chúng ta chưa tổ chức bao giờ, nên đây sẽ là lần đầu tiên. Vì vậy, chúng tôi dự kiến không trọng quy mô, mà trọng chiều sâu, nêu đúng bản chất của vấn đề. Chủ trương của Hội Sử học là dứt khoát phải thể hiện quan điểm.
Phải trả lại vị trí cho những anh hùng đã hy sinh. Chúng tôi đã tiếp cận với rất nhiều bậc lão thành cách mạng, họ rất khắc khoải về cuộc chiến biên giới 1979.
Ban Bí thư cũng đã quyết định biên soạn bộ lịch sử Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - mà chúng tôi gọi là bộ Quốc sử, tập trung những nhà sử học hàng đầu của Việt Nam. Một trong những nguyên tắc là không được bỏ qua các sự kiện lịch sử hàng đầu, trong đó có cuộc chiến biên giới 17.2.1979.
Tới đây, các sự kiện như Hoàng Sa, Trường Sa bị đánh chiếm, hay việc Trung Quốc đưa quân đánh Việt Nam năm 1979 cũng sẽ được đưa vào sách giáo khoa lịch sử. Nếu chúng ta không nói gì sẽ là mảnh đất màu mỡ cho xuyên tạc.
Từ góc độ một nhà sử học, Giáo sư đánh giá như thế nào về cuộc chiến biên giới Việt - Trung?
Sự kiện 1979 cũng có những nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhưng nằm trong chuỗi của lịch sử, vào thời kỳ Trung Quốc muốn thể hiện mình có một vị thế nào đó ở châu Á, hay bộc lộ một chính sách quan hệ quốc tế của họ. Sự kiện 17.2.1979, khi Trung Quốc đưa tới 600.000-700.000 quân tấn công trên toàn tuyến biên giới của Việt Nam, không thể diễn giải khác đi được, ngoài việc đây là cuộc chiến tranh xâm lược hay cuộc tấn công vào Việt Nam.
Trên thực tế, quân và dân ta đã đứng dậy, anh dũng đánh bật đạo quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Vì vậy, sự kiện 35 năm nhìn lại cuộc chiến biên giới, có lẽ cần phải được đối xử công bằng và trang trọng như một chiến thắng chống ngoại xâm trong lịch sử.
Tuy nhiên, cũng tiếp nối truyền thống cha ông, chúng ta hiểu Trung Quốc luôn có kiểu ứng xử của một nước lớn với các nước lân bang, trong đó có Việt Nam. Bài toán đặt ra là chúng ta phải thể hiện bản lĩnh của dân tộc Việt, phải để nhân dân thấy được đất nước ghi nhớ, trân trọng chiến công của những người đã ngã xuống, nhưng cũng không làm tổn hại, ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.
Những cắc cớ trong quan hệ lịch sử giữa các quốc gia phải xem như những cái hố, hay vết hằn lịch sử. Nếu cứ giấu giếm, hay bảo rằng không có, thì đó là cách che giấu lịch sử. Điều này không chỉ không được phép, mà còn có tội với các liệt sĩ, những người đã đổ xương máu bảo vệ đất nước. Nhưng một thái độ khác, bới sâu nó ra để gây hận thù lại là xuyên tạc lịch sử. Tội này cũng không kém việc che giấu lịch sử.
Không phải khi nào “sự nhịn” cũng là “sự lành”
Như Giáo sư nói, chúng ta cần trả lại sự thật cho lịch sử. Nhưng cho đến nay, Trung Quốc vẫn tuyên truyền rằng đây là cuộc chiến do Việt Nam nổ súng trước. Vậy “cây cầu” này cần phải bắc sao đây?
Việc Trung Quốc nói rằng chỉ “đối phó” cuộc tấn công của Việt Nam thì liệu ai tin được, khi chỉ trong 1 giờ, họ đưa 600.000-700.000 quân ào ào đánh bật các chốt biên giới của Việt Nam, tiến sâu vào đất liền. Nếu không phải tinh thần chiến đấu quật cường của dân tộc Việt Nam, không biết cuộc chiến đó sẽ đi đến đâu.
Đó, không gì khác hơn, là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc, được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Còn chính Việt Nam mới bị động. Nếu là Việt Nam gây hấn, vì sao Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam khi đó lại đang đi thăm Lào? Nếu chuẩn bị cho chiến tranh, ai lại làm thế?
Về vấn đề này, chỉ có duy nhất Trung Quốc nói vậy, còn thế giới thì không. Chẳng nhẽ, tất cả thế giới sai, chỉ một mình Trung Quốc đúng? Thế giới đều nói đây là cuộc chiến tranh xâm lược, ở các mức độ khác nhau. Bởi người Việt Nam lúc đó, không có gì mong muốn hơn là một cuộc sống hòa bình, với những khó khăn sau một cuộc chiến tranh dài chồng chất, thiếu thốn lương thực và giải quyết bài toán nội bộ...
Việt Nam không có quyền lợi gì trong việc gây hấn với Trung Quốc
Chìa khóa ở đây là ta cần phải nói sự thật và chỉ sự thật mà thôi. Muốn vậy, ta phải có những nghiên cứu. Có một thời gian dài, đây là vấn đề ta cho là nhạy cảm trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, cho nên hầu như không được giới nghiên cứu lịch sử dân sự tiến hành nghiên cứu.
Chúng ta cần quốc tế hóa việc nghiên cứu này. Không thể chỉ là Trung Quốc đơn phương nói thế này, Việt Nam đơn phương nói thế khác. Tôi biết nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đã có những tìm hiểu, đào sâu tư liệu về cuộc chiến tranh biên giới này. Chúng ta cần liên kết lại. Còn cứ nói lấy được thì không nên.
Thưa Giáo sư, việc Việt Nam im lặng trong lúc Trung Quốc chỉ trích Việt Nam tấn công đã gây tổn thương quan hệ giữa hai bên, khi người dân Trung Quốc hiểu lầm về bản chất cuộc chiến, còn dư luận Việt Nam thì như đã nói ở trên. Theo ông, bài học nào cần rút ra?
Tại diễn đàn Shangri La vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra thông điệp về lòng tin chiến lược. Đó là một ý tưởng lớn và hay. Nếu Trung Quốc thực tâm, cùng Việt Nam tìm hiểu bản chất sự thật thì sẽ gây dựng được lòng tin. Song nếu cứ “tôi đúng, anh sai” thì lòng tin khó gây dựng lắm.
Cần phải hiểu rằng không phải cứ im lặng là tốt. Vì Trung Quốc sẽ sử dụng điều đó như một chứng cứ rằng “Sai rồi, nên có dám nói gì đâu”. Tôi cho rằng, sự nhịn đến không dám nói gì không phải là cách xử lý hay với Trung Quốc. Không vì thế mà họ tử tế hơn.
Điều quan trọng là ta phải có cách xử lý đĩnh đạc, đàng hoàng của một quốc gia có chủ quyền.
Một lễ kỷ niệm xứng đáng cuộc chiến biên giới 1979 sẽ thể hiện sự trân trọng với những chiến sĩ đã hy sinh, trân trọng lịch sử. Đó chính là mong mỏi của dân.
Xin cảm ơn giáo sư!
Việc Trung Quốc nói rằng chỉ “đối phó” cuộc tấn công của Việt Nam thì liệu ai tin được, khi chỉ trong 1 giờ, họ đưa 600.000 - 700.000 quân ào ào đánh bật các chốt biên giới của Việt Nam, tiến sâu vào đất liền. Nếu không phải tinh thần chiến đấu quật cường của dân tộc Việt Nam, không biết cuộc chiến đó sẽ đi đến đâu. Đó, không gì khác hơn là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc, được chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
Theo Lao Động

Phút bi tráng ở Pò Hèn, 17.2.1979

Phút bi tráng ở Pò Hèn, 17.2.1979



Đồn biên phòng Pò Hèn hay còn gọi là đồn 209 thuộc xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) đã chứng kiến một trận chiến đấu bất khuất. Ở đó, đồn phó Đỗ Sỹ Họa và cô mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm cùng hầu hết những người lính đã hy sinh trong tư thế hiên ngang, không lùi bước.
Bị thương ngất đi, tỉnh lại tiếp tục chiến đấu

Nếu có một câu nói nào đó thể hiện được toàn bộ tinh thần chiến đấu của quân và dân các tỉnh biên giới những ngày chống quân Trung Quốc có lẽ câu nói của liệt sĩ, anh hùng Đỗ Sỹ Hoạ là câu nói tiêu biểu nhất: “Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết”.
Đứng ở đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn, xây trên nền của chính đồn công an vũ trang Pò Hèn năm 1979. Một buổi sáng mùa xuân, đứng bên đài tưởng niệm, câu nói ấy của liệt sĩ Hoạ chợt văng vẳng khiến chúng tôi không khỏi sởn da gà và cay mắt. Nghe đồng đội của anh kể lại thời khắc anh chiến đấu ngoan cường ngay cả khi đã bị thương rất nặng, tất cả chúng tôi đều không cầm được nước mắt.
Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn
Ông Hoàng Như Lý, hiện sống tại thành phố Móng Cái, một trong số rất ít những người lính Pò Hèn còn sống sót sau trận chiến rạng sáng 17.2.1979, còn nhớ như in từng vị trí của đồn cũ.
Ông chỉ cho tôi đâu là khu nhà ăn nơi dính đạn pháo đầu tiên của địch, đâu là dãy nhà chỉ huy nhưng có một địa điểm ông Lý đặc biệt lưu ý và trầm ngâm hồi lâu: “Kia là đồi quế, nơi anh Họa hy sinh”.
Ngay đằng sau đài tượng niệm hiện nay là một quả đồi nho nhỏ, trông rất bình thường, không còn dấu tích gì của nơi từng diễn ra trận chiến tranh giành nhau từng tấc đất, nhưng 35 năm năm trước đó là nơi anh Họa đã chỉ huy và trực tiếp chiến đấu một trận bằng máu của mình.
“Tại đồi Quế, anh Họa bố trí đội hình đánh lại quân Trung Quốc khi đó đã chiếm được đồn. Phát hiện ra vị trí hỏa lực của ta, quân Trung Quốc nã pháo dồn dập vào đồi Quế, đồng đội chúng tôi hy sinh rất nhiều. Anh Họa cũng bị thương, mặt và người bê bết máu. Hỏa lực của địch mạnh hơn và cứ sau mỗi loạt pháo chúng lại bắc loa yêu cầu ta ra hàng nhưng anh Họa vẫn chỉ huy bắn trả”- ông Lý nhớ lại.
 Chúng buộc phải dùng bộ binh với số lượng áp đảo xông lên để đánh giáp lá cà với quân ta và chiếm được đồi Quế. Đồn phó Đỗ Sỹ Họa cùng nhóm chiến sĩ của mình phải rút lui nhưng họ vẫn không đầu hàng mà lên ụ súng tổ chức lại lực lượng chiến đấu tiêu diệt 227 tên lính Trung Quốc, đến khi chiếm lại được đồi Quế.
Liệt sĩ, anh hùng Đỗ Sỹ Họa
Bị thương và mất máu quá nhiều anh Họa đã hy sinh nhưng khi trút hơi thở cuối cùng anh vẫn dặn đồng đội phải giữ vững trận địa. Ông Lý ngẹn lời: “Hình ảnh anh Họa bị thương ngất đi hai, ba lần liền nhưng cứ tỉnh lại là anh lại tiếp tục chiến đấu và chỉ huy rất dũng cảm”. Trong chiến tranh chống Mỹ ở Quảng Trị, anh Họa từng bị thương nhưng khi non sông thu về một mối dù quê ở Ân Thi (Hải Hưng) anh vẫn xung phong lên làm một người lính bảo vệ biên giới.
Nữ dũng sĩ Pò Hèn
Có một bài hát viết về một người con gái cũng có mặt ở đồn Pò Hèn vào ngày 17.2 của 35 năm trước. Người con gái đó không thuộc biên chế của đồn Pò Hèn nhưng chị tình cờ có mặt ở Pò Hèn đúng ngày giặc nổ súng.
Hoàng Thị Hồng Chiêm vốn là cô nhân viên thương nghiệp của cửa hàng bách hóa Pò Hèn. Đêm trước hôm 17.2, chị Chiêm nhận lệnh của trên phải sơ tán cửa hàng vì quân Trung Quốc có thể đánh sang bất cứ lúc nào. Không ngờ ngay trong đêm sơ tán cửa hàng, chị Chiêm cùng anh Vượng, cửa hàng trưởng lại phải đối mặt với đạn pháo liên hồi.
Trong tay cô gái Hoàng Thị Hồng Chiêm khi đó chỉ có một khẩu CKC và hai quả lựu đạn nhưng người con gái quê ở Bình Ngọc dõng dạc khẳng định với anh Vượng, anh Thắng, chủ tịch xã và anh Đinh, y sĩ của xã: “Các anh cứ đi trước để em yểm trợ. Trước ở trung đoàn 8 làm đường Ba Chẽ em được huấn luyện để dùng súng và lựu đạn rồi”.
Và chị Chiêm đã yểm trợ để một số người trốn thoát sau đó một mình chạy về chốt chiến đấu của đồn công an vũ trang 209.
 Ông Hoàng Như Lý kể lại: “Lúc ấy, chị Chiêm và anh Bùi Anh Lượng, một người lính của đồn 209 đang yêu nhau. Thời điểm Chiêm có mặt, các chiến sĩ trong đồn cũng đang chiến đấu ác liệt với quân Trung Quốc, anh em ban đầu khuyên chị lui về tuyến sau nhưng chị kiên quyết xin đồn phó Đỗ Sỹ Họa cho chị sát cánh bên bộ đội chiến đấu”.
Những người trong bức ảnh này đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc 2.1979. Tên của họ được ghi trên bia tưởng niệm ở Pò Hèn.
Được đồn phó Đỗ Sỹ Họa giao nhiệm vụ tiếp đạn và băng bó cho thương binh nhưng cứ mỗi lần lên tiếp đạn là chị lại phụ anh em chiến đấu. Đến khi địch phải dùng đến pháo 130 ly nã điên cuồng vào đồi Quế mới khiến chị Chiêm bị thương.
Khi đồn phó Họa đã hy sinh, chị Chiêm gần như là người thủ lĩnh tinh thần của bộ đội. Chị trực tiếp cầm khẩu K54 của anh Họa bắn về phía quân địch khi máu đã ướt đẫm áo. Chị dính loạt đạn trung liên và ngã xuống khi vừa tròn 25 tuổi. Ở xã Bình Ngọc, thành phố Móng Cái, quê hương người nữ dũng sĩ anh hùng có một bức tượng Hoàng Thị Hồng Chiêm đặt ở sân trường trung học mang tên chị.
Nhạc sĩ Trần Minh một lần đến Pò Hèn nghe về câu chuyện của chị đã viết ca khúc Người con gái trên đỉnh Pò Hèn với những lời ca: “Từ biên giới này tỏa tiếp lời ca thắng lợi/ Hương hồi thơm bay tỏa lan trên vách núi/ Có cánh đào tươi đẹp trời xuân mới trên đỉnh núi Pò Hèn/ Hoàng Thị Hồng Chiêm, Hoàng Thị Hồng Chiêm người con gái ấy/ Đã vào trang sách, đã thành bài ca” .
Cách đây ít lâu chúng tôi đến thăm đồn Pò Hèn và có dịp “gặp” lại những người đã ngã xuống nơi đây ở gian phòng truyền thống. Ám ảnh chúng tôi không phải là khi thấy đồn biên phòng trước đây trở thành đài tưởng niệm liệt sĩ mà là bức ảnh có đầy đủ 45 liệt sĩ trong trận chiến năm ấy. 
 
 
Theo MotTheGioi (Ngọc Uyên )

Bài viết được đăng trên MotTheGioi nay đã bị rút bài.

Bài 3: Bia trấn ải - nơi tổ quốc được tô màu đỏ

Bài 3: Bia trấn ải - nơi tổ quốc được tô màu đỏ

Từ 35 năm nay, vào dịp tháng 2 mỗi năm, Đại tá Triệu Quang Điện, trưởng Phòng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh Lạng Sơn đều đến đền Mẫu để thắp hương cho đồng đội của mình.

35 năm, thời gian chưa đủ để ông quên đi bữa cháo nếp cuối cùng. 35 năm, ông vẫn nhớ như in hình ảnh của những người đồng đội trong tổ tam tam: Những Trần Văn Thái. Những Vi Văn Cao.
Pháo đài Đồng Đăng và pháo hoa Trung Quốc
Năm đó, binh nhì Triệu Quang Điện vừa cưới vợ được 4 tháng, cũng vừa qua khóa huấn luyện 4 tháng ở Đông Khê, trở lại Lạng Sơn vào đúng buổi chiều ngày 16, khi phía Trung Quốc cho người đuổi trâu dò phá những bãi mìn biên giới.
5h sáng, khi pháo bắn cấp tập vào Đồng Đăng, ông cùng hai người đồng đội trong tổ thậm chí còn chưa kịp ăn nồi cháo gạo nếp đã đặt trên bếp để vội vã xách súng lên chốt ngay tại khu vực Đền Mẫu, pháo đài Đồng Đăng.
Tới 7h, sương còn chưa tan thì lính Trung Quốc đã kéo sang khắp nơi. Ba người kê súng bắn. Ông Điện, giữ súng trung liên bắn suốt 1 giờ đồng hồ.
“Hồi huấn luyện, tôi bắn bia được 3 điểm 9 - ông Điện nhớ lại - nhưng hôm đó, lính Trung Quốc lên quá đông, có lẽ là không cần bắn giỏi cũng có thể trúng”. Riêng tại chốt Đền Mẫu, binh nhì  Điện đã tiêu diệt tới 30 lính Trung Quốc.
Lính Trung Quốc cứ theo tiếng kèn lớp lớp xông lên. Bị hắt ngược trở lại, rồi lại xông lên.
Trong một thời khắc, khi ông vừa nhảy xuống hào thay đạn thì chỉ nghe “bầm”. Ngoảnh lại, nơi 2 người đồng đội nằm chỉ còn lại một hố pháo đen xì. Không còn chút vết tích.
Tới 10h, xe tăng Trung Quốc đã tràn ngập khắp nơi. Pháo binh Trung Quốc nã đạn vào pháo đài trong suốt nửa ngày 18.
Bấy giờ trong hang Đền Mẫu, ngay phía dưới chốt của ông Điện có tới 300 - 400 dân tới tránh pháo.
Đến tối 18, đơn vị ông nhận được phương án đưa dân trong hang ra. Và chỉ trong một đêm, binh nhì Triệu Quang Điện trực tiếp đưa dân, ra ra vào vào 3 lần để cõng được ra 3 người đồng đội bị thương nặng.
Khẩu trung liên của ông giờ đang được trưng bày tại Viện Bảo tàng công an nhân dân.
Bia trấn ải ở Pha Long, Mường Khương, Lào Cai
Ít năm sau đó, khi gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong một buổi lễ, ông thậm chí không trả lời được vì sao chỉ trong 1 đêm, với quãng đường 17km, một người chỉ nặng chưa tới 49kg đã 3 lần bò vào cõng đồng đội bị thương ra nơi an toàn.
Chúng tôi theo lối mòn trèo lên pháo đài Đồng Đăng, nơi bị đánh phá ác liệt nhất trong cuộc chiến biên giới.
Vào ngày 17.2.1979, 2 sư đoàn bộ binh Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của 1 trung đoàn xe tăng và 6 trung đoàn pháo binh đã tấn công ác liệt nơi này.
Trong cuốn Lịch sử sư đoàn 3 Sao Vàng còn ghi rõ: Ngày cuối cùng tại Pháo Đài, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, không gọi được đối phương đầu hàng, quân Trung Quốc chở bộc phá tới đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, bắn đạn hóa chất độc vào các lỗ thông hơi làm thiệt mạng cả thương binh và nhân dân tới đây trú ẩn.
Tháng 2 năm nay, pháo đài trở nên cô đơn, trơ trọi giữa sự náo nhiệt của lễ hội Đền Mẫu.
Hoặc như ở chính cái nơi mà lính Trung Quốc xả súng vào chiếc xe cứu thương 12A 04-35 của bệnh viện Lạng Sơn đi Đồng Đăng cứu nhân dân bị thương, giết chết cả người lái xe, cả BS Nguyễn Thu Thủy, y tá Trịnh Thị Sâm, giờ một con đường mới đã được mở ra dập dìu xe cộ, hàng hóa thông thương qua cửa khẩu Hữu Nghị.
Ở Tổng Chúp có tấm bia ghi bại vụ thảm sát này. Tấm bia giờ vẫn còn sau 35 năm, dù chiếc giếng cạn, nơi năm xưa chứa đầy xác phụ nữ, trẻ em bị hành quyết bằng rìu bổ củi giờ đã lấp đầy cây lá.
Quá khứ không dễ quên. Nhất là khi đó là những gì đau thương nhất. Cho dù theo thời gian, những nhân chứng chiến tranh giờ đã lần lượt ra đi. Ông Hoàng A Tỉn, nhân chứng thảm sát trong sân Bách hóa tổng hợp Bát Xát đã mất 2 năm trước.
Đến Tổng Chúp, lại nghe tin ông Nông Văn Ất, nguyên trưởng trại giống Đức Chính, người đã mất vợ và 4 đứa con trong vụ thảm sát Tổng Chúp giờ cũng không còn.
Lời vĩnh biệt nhói trời Pha Long
Nhưng cũng có những tấm bia trấn ải mới được dựng lên. Ngay bên tay phải đồn biên phòng tiền tiêu Pha Long, Mường Khương, Lào Cai, có những dòng chữ mới, được in trên bia đá:
Nguyên Thần Bổn Mệnh giữ núi non
Nam Sơn bốn cõi tựa sách trời định.
Thiên thiên nhật nguyệt linh linh ứng
Tuyệt tuyệt long phụng báo quốc an
Bình nhất hà Việt Nam Quốc thổ.
Thạc sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh dịch: Nguyên Thần được giao sứ mệnh giữ núi non. Núi nam bốn cõi đã quy định trong sách trời. Nghìn nghìn mặt trời, mặt trăng linh thiêng và ứng nghiệm (điều đó). (Có) rồng phượng tuyệt vời bảo vệ an nguy tổ quốc. Đất Việt Nam yên bình nhất là ở đây.
Thiếu tá Phan Đức Mạnh, chính trị viên đồn Pha Long cho biết tấm bia trấn ải vừa được dựng hồi tháng 5, đúng vào điểm đối diện đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Bên này từng hàng, từng hàng tên tuổi của 37 liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc được khắc chìm trong đá xám.
Năm ấy, những chiến sĩ công an vũ trang còn trẻ măng đã đánh đến viên đạn cuối cùng, đã đâm gẫy đến chiếc lưỡi lê cuối cùng để bảo vệ tổ quốc.
Ngày 17.2.1979, sau khi bắn viên đạn cuối cùng, một người lính Pha Long đã gửi bức điện cuối cùng về hậu phương. Và cũng chỉ vài chữ, đại ý: Chúng tôi hết đạn. Xin Vĩnh biệt. 
Chợt nhớ đến những câu thơ Vương Trọng:
Mắt rưng rưng, dò đọc từng dòng
Gặp điệp khúc Tháng Hai năm Bảy chín
Lời vĩnh biệt nhói trời Pha Long.

Đến lúc này tôi mới hiểu ra
Vì sao đường Biên giới bản đồ
Của Tổ quốc được tô màu đỏ!..

Năm nay, chỉ duy nhất một, trong số gần bảy chục gốc đào ở Pha Long đơm hoa. 
Không xa Pha Long là điểm cao Tả Ngải Chồ, nơi một đồng nghiệp của chúng tôi, nhà báo, anh hùng liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết đã tay bút tay súng hy sinh vào ngày 17.2.1979.
Có lẽ, chính những người lính biên phòng, chính những nhà báo liệt sĩ, chính nhân dân anh hùng, những người đã ngã xuống từ cả ngàn năm nay, những người đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược phương Bắc năm 1979 mới là những tấm “bia trấn ải” thiêng liêng nhất mà mỗi người làm báo chúng tôi cần phải nhắc lại để thế hệ con cháu còn có được cảm xúc thiêng liêng, tự hào khi nhắc đến hai chữ “Tổ Quốc”.

Đào Tuấn

Bài 2: "Đồng chí với nhau, ai nghĩ sẽ đánh nhau"

Bài 2: "Đồng chí với nhau, ai nghĩ sẽ đánh nhau"



“Ai cũng chỉ nói chỉ tranh chấp biên giới. Ai cũng chỉ xác định là giữ đất thôi. Tin là đồng chí với nhau, chỉ gây sự, chỉ ghen ghét thế thôi. Chứ anh em đồng chí, ai nghĩ là sẽ đánh nhau”- 35 năm sau, nguyên Bí thư tỉnh Cao Bằng vẫn còn khắc khoải câu chuyện xảy ra năm 1979.
Ở Bát Xát, Lào Cai, khi pháo Trung Quốc bắt đầu bắn sang từ phía bên kia biên giới, ông Nguyễn Văn Tuyến, đại đội trưởng tự vệ Đoàn địa chất 305 (Đoàn 5) đang ở Bản Vược, ngay trong tầm súng trường lính Trung Quốc.
“Chúng tôi vẫn pha trà uống. Chiến sự vẫn liên miên từ trước đó, đêm nào cũng có tiếng súng, cho nên không ai ngờ Trung Quốc đánh lớn”- ông nói.
Chỉ trước khi cuộc tấn công diễn ra 48 tiếng, cả dân lẫn lính Trung Quốc vẫn “sang bên này xem chiếu bóng bình thường".
Ông Tuyến từng là lính trong chiến tranh với Mỹ, sau chiến tranh làm Phó Chủ tịch HĐND huyện Bát Xát, nhớ lại: "Khi pháo Trung Quốc chuyển làn, ông mới giật mình hô anh em vì cảm giác rằng bộ binh Trung Quốc sẽ sang. Mấy người hoảng hốt chạy ra đến đến ngã ba Bản Vược thì khắp nơi đã tràn ngập màu áo lính đang vận động từ phía trong ra điểm chốt của công an vũ trang. Chúng tôi tưởng bộ đội mình đã lên ngay thành thử súng cầm trong tay mà không bắn”. 
Từ trong hậu phương, lính Trung Quốc tiến đánh từ phía sau đồn công an vũ trang và chốt tự vệ địa phương. Hỏa lực từ bên kia biên giới bắn sang như mưa rào. Đơn vị ông Tuyến cơ động ra đến chốt Cây 2 thì bị một khẩu đại liên chặn lại. Bấy giờ, anh em vẫn có người giơ súng, giơ cờ vẫy ra hiệu vì vẫn tưởng bộ đội mình bắn nhầm.
Chỉ một lát sau đó, từ khu vực bản Xèo, lính công binh Trung Quốc lao cầu phao và sau đó xe tăng Trung Quốc tiến sang. “Họ đã chuẩn bị sẵn hết rồi. Cây cầu phao thả ra trôi theo dòng nước là áp khít sang bờ bên này”, lời ông Tuyến.
Tự vệ bản Xèo hy sinh vô số kể. “Chúng tôi chỉ được trang bị trung liên và súng K63. Không có vũ khí chống tăng”- ông Tuyến nói.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Bát Xát thời điểm tháng 2.1979 đang là lính sư đoàn 316, một trong hai sư đoàn chủ lực duy nhất hiện diện ở biên giới phía Bắc.
Sáng đó, đang ở Than Uyên, đơn vị ông có lệnh báo động. Ai cũng tưởng chỉ báo động hành quân dã ngoại, thành thử “có người chỉ mang theo một quả đạn, có người trút lại tượng gạo, và có người, chỉ mang độc một bộ quần áo trên người”.
Đơn vị ông Trường hành quân lên đến Sapa thì những người lính mới biết chiến tranh đã xảy ra, và sau đó chạm địch ngay tại đèo Ô Quy Hồ. 218 đồng đội của ông đã hy sinh trong trận đánh đó.
Bát Xát là “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” với những địa danh anh hùng và đau thương: A Mú Sung, Y tý.
Những người lính biên phòng A Mú Sung trong ngày 17 tháng 2 năm ấy, đã đánh đến viên đạn cuối cùng và hy sinh oanh liệt.

Một góc pháo đài Đồng Đăng
 
Cú đánh trộm của "người anh em"
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trần Hùng nhớ lại, trưa ngày 17, khi một người dân chạy đến đơn vị báo tin xe tăng Trung Quốc đã vào đến Nước Hai, Hòa An, thủ trưởng của ông còn lệnh cho lính "trói nó lại” vì cho rằng người này phao tin đồn nhảm.
Vì sao quân dân ta lại bị bất ngờ trước một cuộc tấn công toàn tuyến với quy mô 32 sư đoàn?
Nguyên Bí thư Cao Bằng, Vương Dương Tường, nhớ lại ở Cao Bằng hôm ấy, quân khu còn đưa các chỉ huy quân sự tỉnh về họp. Không ai biết Trung Quốc đánh mình. Ngay cả khi tiếng súng đã nổ vang từ hướng Hà Quảng, Thông Nông, trưởng ty Thủy lợi băn khoăn nói tiếng súng nhiều lắm, không biết súng ta hay súng địch. Một lãnh đạo Cao Bằng khi đó nói anh em cứ yên trí. Đó là súng mình.
 Nguyên Bí thư Cao Bằng, Vương Dương Tường,
Ông Tường thừa nhận: "Cơ bản nhất là bấy giờ không ai tin anh em đồng chí lại đánh nhau", ông Tường nói.
Cao Bằng bấy giờ vừa tách tỉnh. Đến 1 giờ đêm, pháo Trung Quốc bắn phá dồn dập. Sáng ngày 17.2, lính Trung Quốc đã đến chân đèo Minh Tâm. 2 tiếng sau, xe tăng chúng đã vào đến Cao Bình, rồi vào đến Nà Tàu. Pháo binh Trung Quốc dồn dập nã xuống Nà Tản.
Ngày 18.2, lính Trung Quốc đã vào đến Hòa An, Cao Bình. Đến ngày 19, khắp nơi đã bị đốt phá giết chóc.
“Ai cũng nghĩ là chỉ tranh chấp biên giới. Ai cũng chỉ xác định là giữ đất thôi. Tin là đồng chí với nhau, chỉ gây sự, chỉ ghen ghét thế thôi, ai nghĩ là sẽ đánh nhau” - ông Tường nói, và theo ông, 35 năm sau vẫn chưa hiểu nguyên nhân câu chuyện đã xảy ra.
Cho đến năm 1992, khi các cơ quan của Bát Xát, Lào Cai từ Mường Vi trở lại Bản Xèo thì “vẫn chỉ có cỏ may và đất đỏ”.
Chúng tôi trở lại Đồng Đăng, Lạng Sơn vào đúng ngày lễ Đền Mẫu, lễ lớn nhất Lạng Sơn, nằm ngay dưới chân pháo đài Đồng Đăng.
Từ 35 năm nay, mỗi dịp tháng hai, đại tá Triệu Quang Điện, Trưởng phòng cảnh sát truy nã Công an tỉnh Lạng Sơn vẫn đến đây thắp hương tưởng nhớ những người đồng đội của mình.
Ông Điện được phong Anh hùng lực lượng vũ trang sau cuộc chiến tranh biên giới 1979, và sau 35 năm, ông vẫn nhớ như in những cái tên Trần Văn Thái, Vi Văn Cao, những người đồng đội trong tổ tam tam và bữa cháo cơm nếp cuối cùng đêm 16.12.

Theo MotTheGioi(Đào Tuấn)
Bài này đã được đăng trên Motthegioi nhưng đã bị rút bài.

Bài 1: Biên giới, hồi ức 35 năm

Bài 1: Biên giới, hồi ức 35 năm


Tháng 2 năm nay, những cây đào Tổng Chúp, Hưng Đạo, Cao Bằng bỗng dưng đỏ loét trong cái nắng trái mùa. Trên đồn biên phòng Pha Long, Lào Cai, thật lạ, chỉ duy nhất một gốc đào đơm hoa. Còn ở pháo đài Đồng Đăng, Lạng Sơn, những cây đào khoe sắc vô duyên bên nền đá xám xịt và lau lách tùm lum của một pháo đài hoang phế đã đi vào quên lãng.
Một số phận
Trong ngôi nhà nhỏ ở dốc cầu Nà Rụa, phường Tân An, Cao Bằng, bà Nguyễn Thị Quỳ cũng có một cành đào nhỏ trước ban thờ chồng, người 35 năm trước bất đắc dĩ trở thành “tù binh chiến tranh”.
Câu chuyện liên tục ngắt quãng khi đôi vai của người phụ nữ nhỏ nhắn run lên bần bật trước những hồi ức từ 35 năm trước. Chiến tranh đã lấy đi của bà một đứa con. Và sau 35 năm, vết thương ấy chưa bao giờ lành khi hàng đêm, hình ảnh đứa nhỏ tím tái chết trong mưa lạnh vẫn ùa về như một nỗi kinh hoàng không bao giờ phai nhạt.
“Cô sinh cháu và gói trong một chiếc áo. Và rồi đó cũng là chiếc áo liệm”- người cựu binh chống Mỹ khốn khổ đưa tay lên dụi mắt.
Sáng 17.2.1979, trời rất mù và lạnh. Từ thị trấn Nước Hai, bà Quỳ chỉ còn biết cắm đầu cắm cổ chạy loạn khi tiếng pháo của lính Trung Quốc “như bom Mỹ rải thảm” khắp nơi. Bệnh viện Hòa An bị đánh sập, người sản phụ khốn khổ đang mang thai đến tháng thứ 9 chỉ còn biết vác bụng lặc lè để  chạy.
“Cô chạy vào núi đá Mỏ Hách. Rồi từ Mỏ Hách chạy sang Đại Tiến. Chạy ngược với tiếng pháo”. Đám người chạy loạn bị lính Trung Quốc phát hiện, truy đuổi, và lại tứ tán khắp nơi. “Chúng nó đông lắm cháu ơi! Đâu đâu cũng thấy lính Trung Quốc”.
Trong gần một tuần lễ trốn trên động đá, bà Quỳ đau đẻ trong cái đói, trong cái rét, trong trời mưa lạnh, trong tối tăm mò mẫm. Không một hạt gạo mang theo. Không một tấm chăn. Cả đám người đói khát, rét mướt và lo sợ đến hoảng loạn. Chỉ ngay phía dưới, lính Trung Quốc đông lúc nhúc, vây hãm khắp nơi.
Những con người khốn khổ lấy nước bằng cách hứng từ giọt gianh trong một tấm nilon rộng chừng 2 bàn tay. Ăn tất cả những gì mà ban đêm mấy người đàn ông mò mẫm được từ bờ cây, gốc sắn… ngay sát nơi lính Trung Quốc dựng trại.
Đến hôm đau đẻ, bà được đồng bào gom cho thìa đường cuối cùng, hòa với vốc nước “để có sức mà đẻ”. Đứa con đầu lòng được sinh ra trong hang đá nhưng 3 hôm sau thì qua đời.
Bia thảm sát tại Tổng Chúp, Hưng Đạo, Hòa An, Cao Bằng. Bà Hậu, một người dân Tổng Chúc xưa từng cắp con chạy loạn bảo rằng: Bà không thể quên những ngày tháng 2 năm ấy 
“Cô sinh cháu và gói trong một chiếc áo. Và rồi đó cũng là chiếc áo liệm”- người cựu binh chống Mỹ khốn khổ đưa tay lên dụi mắt. Những giọt nước mắt mờ đục lăn dài trên khuôn mặt “một ngàn nếp nhăn” tưởng chừng đã không còn có thể đau khổ được nữa: “Lúc đó cô yếu quá, bỏ mấy đồng nhờ một ông già mang cháu đi. Chắc vứt nó ở một đâu đó”.
Nhưng bi kịch chưa dừng lại ở đó. Đêm ngày 25.2, người chồng nửa đêm đi kiếm ước uống bị sa vào tay lính Trung Quốc. Ông bị giam giữ cho đến ngày 3.6 và từ sau đó, những đồng nghiệp của ông ở Ty Thể thao Cao Bằng cho biết ông bỗng dưng có thói quen ăn cơm với nước lã.
Còn bà Quỳ, quãng thời gian trong động đá và cái chết bi thảm của đứa con đầu lòng khiến bà trở nên trầm uất suốt 3 tháng. Tuyến sữa viêm tắc khiến sau đó người phụ nữ khốn khổ phải cắt đi một bên ngực.
35 năm, bằng đấy thời gian chưa đủ để bà Quỳ quên đi hình ảnh đứa con đầu lòng chết tím tái. “Đau xót lắm cháu ơi. Cô đi cúng, Thầy bảo nó không có nhà, lang thang ở một gốc cây nào đó”…
Không chỉ Bệnh viện Hòa An bị đánh sập, cả thị xã Cao Bằng lỗ chỗ tổ ong như vừa trải qua “một trận B52 mặt đất”, không còn thứ gì cao quá 1m. Bách hóa tổng hợp, một biểu tượng của Cao Bằng bị hủy hoại đến không còn một viên gạch lành.
Chị Hoài Phương, phóng viên của Đài truyền hình Cao Bằng, năm đó 9 tuổi, đến giờ vẫn không thể quên hình những xác người bị súng phun lửa đốt cháy trên mặt đất. Khắp nơi.
Ông Nguyễn Duy, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh Hòa An nhớ lại: Đến ngày 20.3, cả thị xã vẫn như một đụn khói lớn. Chiều 29.3. Không một chiếc xe, không một người dân đi trên đường. Kho lương thực còn cháy nghi ngút. Thị xã tan hoang khi lính Trung Quốc trước khi rút đã ốp mìn giật đổ từng cây cầu, từng cột điện. Cái gì lấy được thì lấy hết. Cái gì không lấy được thì phá hết.
Khi giặc đến nhà
Ngày 17.2.1979, Trung Quốc đã dùng một lực lượng quân sự chính quy lên tới 60 vạn quân tấn công Việt Nam trên khắp chiều dài 1.200 km biên giới 6 tỉnh phía Bắc. Cao Bằng chính là một trong những trọng điểm đánh phá của quân đoàn 41A với sự tham gia của xe tăng và pháo binh.
Theo nhận định của Xiaoming Zhang trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí China Quarterly tháng 12.2005, cuộc tấn công của Trung Quốc phụ thuộc phần lớn vào việc nhanh chóng chiếm được Cao Bằng.
Nhưng hai mũi tấn công không đến được mục tiêu trong vòng 24 tiếng. Khu vực đồi núi cùng kháng cự của dân quân Việt Nam tạo ra khó khăn lớn. Việc đi chậm khiến Xu Shiyou, lãnh đạo cánh quân Quảng Tây, phải hoãn cuộc tấn công vào Cao Bằng, mặc dù phó tướng Wu Zhong đã đến sát thành phố này ở mạn phía đông và nam.
Trong một bài phát biểu được nhà nghiên cứu Dương Danh Hy dịch ra tiếng Việt ít năm trước, nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Đặng Tiểu Bình đã xác nhận đó là cuộc chiến "giết gà đã phải dùng dao mổ trâu". Cụ thể “vũ khí, quân số đều gấp mấy lần Việt Nam. Chiến đấu ở Cao Bằng chí ít là năm đánh một, sáu đánh một, chiến đấu ở Lạng Sơn, Lào Cai cũng đều gấp mấy lần, thậm chí sáu đánh một, bảy đánh một”.
Vì sao ở Cao Bằng, chiến tranh lại đồng nghĩa với tàn phá như vậy?
Trang mạng quân sự milchina.com của Trung Quốc 3 năm trước đã cho đăng thư của một cựu chiến binh Trung Quốc từng tham gia chiến tranh biên giới 1979 phần nào giải thích lý do: "Mục đích của cuộc chiến tranh này là tàn phá, hủy hoại quốc lực của Việt Nam chứ không phải là chiếm lĩnh lãnh thổ, nên sau hai ngày đánh nhau, lính tham chiến bắt đầu chấp hành mệnh lệnh bán chính thức là “không bắt tù binh”, “không để lại cho Việt Nam một lá cây ngọn cỏ”.
Cho đến cuối cuộc chiến tranh, ở Cao Bằng “không ai theo địch, không ai đầu hàng, không ai phản bội”- giọng người cựu bí thư tỉnh ủy rưng rưng nước mắt. Bao đời nay vẫn vậy, mỗi khi giặc đến nhà thì mỗi một người dân chính là một người lính.

Ông Vương Dường Tường, nguyên bí thư tỉnh ủy Cao Bằng giai đoạn 1979-1992 nhớ lại: Bấy giờ, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm và vấn đề người Hoa đã khá căng thẳng, nhưng không ai nghĩ là chiến tranh xảy ra. Chủ trương của ta là đưa thanh niên ra biên giới tổ chức các lâm nông trường. “TƯ xác định cũng phải đề phòng, nhưng là phòng xích mích biên giới thôi”- ông Tường nói.

Tỉnh ủy Cao Bằng bấy giờ chủ trương đưa một số bộ đội về một số xã để củng cố đội ngũ cán bộ. Quân đội không có ở Cao Bằng. Lực lượng công an vũ trang chỉ có ở cấp tỉnh chứ cấp huyện là không có người. Cả thị xã bấy giờ chỉ có 1 một trung đoàn bộ đội địa phương (E567), nhưng cũng chủ yếu là  làm kinh tế. Đến đội ngũ dân quân tự vệ, “có thì có đấy, căng thì căng như thế nhưng đã được phát súng đâu”. Thậm chí khi chiến tranh đã nổ ra, có thêm một sư đoàn được thành lập, nhưng lúc đó cũng chưa có quân”.
Ông Vương Dường Tường, nguyên bí thư tỉnh ủy Cao Bằng 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trần Hùng, thời điểm 1979 đeo quân hàm trung sĩ, tiểu đoàn 40 Bộ đội địa phương còn nhớ như in là khi xe tăng Trung Quốc vượt cầu Sông Hiến vào đến tận dốc Nà Toòng, đại đội 3 phòng không của trung đoàn 567 phải thay đạn, chúc nòng pháo 37 ly xuống để bắn xe tăng bằng đạn xuyên.
Chính ông Hùng là một trong những người đầu tiên chạy bộ đạp lá sa mộc đến bên xác xe tăng còn nghi ngút khói.
“Chúng tôi chỉ có 3 khẩu súng AK để bảo vệ trận địa”, ông Hùng nói, “về sau, khi lính Trung Quốc lên quá đông, đơn vị đã phải tháo súng (pháo) để rút”.
Theo Xiaoming Zhang, đến ngày 23.2, Trung Quốc mới chiếm được Cao Bằng sau khi nhận ra nơi này chỉ có một số lượng nhỏ quân Việt Nam cố thủ. Nhưng sự chậm chân khi chiếm Cao Bằng đã ngáng trở kế hoạch ban đầu của Trung Quốc, vốn nhấn mạnh việc tác chiến nhanh và quyết liệt.
Cao Bằng có gì để chống lại 6 sư đoàn chính quy với xe tăng và pháo binh yểm trợ?
“Dân Cao Bằng sẵn biết Trung Quốc rồi. Ở đâu cũng đánh, gặp đâu cũng đánh, ai cũng đánh. Một, hai người cũng đánh. Chặn khắp nơi”- ông Vương Dương Tường nói.
Ở Hòa An, dù lúc đó mất hoàn toàn liên lạc, một nhóm cựu binh vẫn tự tập hợp nhau lại lập chốt đánh địch. Nhặt được cái gì thì đánh được bằng cái đó. Ở Trà Lĩnh, Quảng Hòa, Hà Quảng đều có những chốt đánh địch như vậy.
Người Cao Bằng sau phút bất ngờ đã chủ động trở lại. Cho đến cuối cuộc chiến tranh, ở Cao Bằng “không ai theo địch, không ai đầu hàng, không ai phản bội”- giọng người cựu bí thư già rưng rưng. Bao đời nay vẫn vậy, mỗi khi giặc đến nhà thì mỗi một người dân chính là một người lính.
Tháng 2 năm nay, trên nền bách hóa tổng hợp bị đánh sập năm xưa, một siêu thị mới đã được dựng lên, cho dù người Cao Bằng vẫn gọi đó là Tổng Hợp Đổ.
Còn người nữ cựu binh Nguyễn Thị Quỳ, đến giữa câu chuyện, bỗng bất ngờ hỏi lại chúng tôi: “Sao các cháu không hỏi vì sao tháng 2 năm ấy cô không đi tìm một cây súng? Và rồi, bà quả quyết tự trả lời: “Năm xưa, cô phải chạy giặc vì lúc đó đang mang bầu, không muốn ảnh hưởng đến anh em đồng chí. Còn nếu bây giờ giặc đến nhà, cô sẽ tìm một khẩu súng. Nếu cô già yếu không đánh được, những đứa con của cô sẽ cầm súng".
Con gái bà, một cô gái niềng răng sinh năm 1988 sau đó nói sẽ đưa chúng tôi vào Tổng Chúp, dù ở Cao Bằng, không còn nhiều người biết đến những gì xảy ra tại Tổng Chúp 35 năm trước, dù theo lời cô bé: "nơi đó giờ đã hoang vắng lắm rồi anh ạ”.
Theo MotTheGioi(Đào Tuấn)
Bài này đăng trên motthegioi.vn nay đã bị rút xuống.