Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Không có chuyện huy động vàng trong dân trong năm 2014?

Hôm trước có viết một mẩu về chuyện huy động vàng với lập luận chính, loay hoay tìm cách huy động vàng trong dân làm gì bởi vàng để trong dân hay để trong kho ngân hàng nhà nước thì cũng chẳng khác nhau gì nhiều cả. Nhiều người phản đối lập luận này. Âu cũng là chuyện bình thường.

Nay chính Ngân hàng Nhà nước thú thiệt:
- Huy động vàng rồi trả lãi cho dân là tạo hiện tượng “vàng hóa” -> vì vậy NHNN sẽ không làm.
- Chi phí để huy động vàng là tương đối lớn -> sẽ mua chứ không huy động.
- Mua thì hiện nay giá trong nước cao hơn giá thế giới -> chưa mua (mà dại gì mua trong tình hình giá trong nước cao hơn giá thế giới – mua của nước ngoài đem về bán lại lấy lời sướng hơn – mua trong nước sẽ đẩy giá trong nước cao hơn nữa).

Nói tóm lại là sẽ không có chuyện huy động vàng trong dân. Hết.


Theo Xê Nho Nvp

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

TÁO QUÂN 2014: Một ví dụ về nhà nước pháp quyền

Chương trình táo quân năm ngoái bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn “tuýt còi” vì bị cho là “có nhiều phân đoạn không phù hợp với thuần phong mỹ tục, nhất là đoạn đầu chương trình có nhiều ngôn từ nhảm nhí”.
Rút kinh nghiệm, năm nay mặc dù chưa ghi hình, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch đã nhanh nhẩu gởi công văn đề nghị giám sát chặt chẽ nội dung chương trình táo quân, theo tin của tờ Thể thao Văn hóa. Điều đáng nói là công văn này được gởi tới Ban Tuyên giáo Trung ương để nhờ nơi này “chỉ đạo” Đài Truyền hình Việt Nam, nơi sản xuất chương trình nói trên.

Trong khi đó chúng ta lại thấy nhiều nơi đang kêu gọi xây dựng nhà nước pháp quyền! Một nhà nước pháp quyền trong trường hợp này là như thế nào? Nhà nước đó có thể xây dựng những quy chế phát hình trên truyền hình rất chặt chẽ, không cho phép nhân vật chửi thề, nói tục, chẳng hạn. Nếu chú ý các bạn sẽ thấy phim Mỹ thì nhân vật chửi fuck you thoải mái nhưng lên truyền hình đến đó âm thanh câm bặt.

Có quy chế rồi nếu chương trình táo quân vi phạm quy chế, sẽ cấm không cho phát hình hoặc phát rồi thì phạt hay xử lý theo đúng luật định. Đơn giản vậy thôi. Tại sao một Bộ mà lại phải thông qua một tổ chức không nằm trong hệ thống hành chính nhà nước là Ban Tuyên giáo Trung ương để điều chỉnh hành vi của một tổ chức như Đài Truyền hình. Tại sao chương trình chưa ghi hình mà đã lẹ làng yêu cầu giám sát chặt chẽ; mà chương trình táo quân để giải trí cho người dân, sao lại “theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật nhà nước” nghe rất lạ tai, dễ gây hiểu nhầm là Bộ muốn kiểm duyệt chương trình để khỏi phạm húy. Nhà nước pháp quyền như mong muốn của nhiều người ắt còn xa lắm. Và một xã hội dân sự với các tiếng nói phê bình độc lập để gây sức ép buộc Đài Truyền hình dàn dựng chương trình táo quân đàng hoàng, không thô tục, phản cảm một cách tự nguyện, không cần công văn gì cả, lại càng xa hơn.

Nguồn: Xê Nho Nvp